Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

KHÍA CẠNH CON NGƯỜI TỰ LẬP THÂN TRONG TRIẾT HỌC NHÂN SINH MỸ

Lê Văn Tùng

Đại học Đồng Tháp



Nước Mỹ không có truyền thống triết học lâu dài như các nước châu Âu, nhưng lại là nước thực hành tốt nhất triết học của họ, vì đích hướng đến trong triết học đó là giải quyết các vấn đề nhân sinh. Trong bài viết này, các tác giả tập trung vào khía cạnh con người tự lập thân trong triết học nhân sinh Mỹ. Chủ đề này được bóc tách từ lịch sử văn hoá – xã hội và các trào lưu triết học tiêu biểu, mang đặc trưng Mỹ: chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh.

1. Triết học là sự biểu hiện tập trung cao nhất tinh thần của thời đại, theo đó triết học Mỹ là sự thể hiện tinh thần của nước Mỹ. Nếu so với châu Âu thì nước Mỹ không có bề dày lịch sử về mặt triết học, vì lịch sử nước Mỹ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XV (kể từ khi C. Columbus phát hiện ra châu Mỹ), trong khó lịch sử của châu Âu diễn ra trước đó hàng chục thế kỷ, và triết học của họ xuất hiện từ rất sớm.
Về tính chất mà nói, triết học Mỹ không giống với triết học Âu châu. Triết học ở các nước châu Âu là sản phẩm của tư duy tư biện thuần khiết, hàn lâm học thuật và đi theo chiều hướng phản tư các khái niệm, các định đề,.... Trong khi đó, triết học Mỹ là một nền triết học “tung bay ngoài trời tự do”, nó không phải là sản phẩm của nhà kính mà là kết quả của quá trình phát triển nước Mỹ. Tocqueville trong cuốn Nền dân trị Mỹ  đã nêu lên tính chất triết học của nước Mỹ rằng: nó “vượt thoát khỏi tính hệ thống, thoát khỏi cái ách của thói quen, khỏi các châm ngôn sống gia đình, các quan điểm giai cấp, và ở một mức độ nào đó là thoát khỏi các định kiến dân tộc; chỉ coi truyền thống như là một thứ thông tin, và chỉ coi các sự kiện đang xảy ra là một cách xem xét hữu ích để hành động khác đi và hành động tốt hơn; tìm tòi theo lối tự lực và chỉ tìm ngay bên trong bản thân mình cái nguyên cớ của sự vật, hướng tới kết quả mà không bị trói tay vào các phương tiện, nhằm vào cái gốc vấn đề thông qua cái biểu hiện bề ngoài, đó là những nét chủ chốt đặc trưng cho cái phương pháp triết học của người Mỹ”[1].
Những vấn đề cơ bản của triết học nhân sinh Mỹ là những vấn đề thuộc đời sống con người. Chủ đề tự lập thân là một trong những chủ đề mang tính biểu trưng trong triết học nhân sinh Mỹ. Chủ đề không tách rời quá trình hình thành và phát triển nước Mỹ. Vấn đề này là vấn đề thường trực trong suốt quá trình phát triển nước Mỹ. Crèvecoeur (1753 - 1813) trong nhiều năm nghiên cứu về nước Mỹ ghi lại rằng: “những người châu Âu di cư sang Mỹ đã từ thân phận ti tiện trở thành một nhân cách, từ người phục vụ trở thành người chủ, từ tên nô lệ của một lãnh chúa tàn bạo trở thành người tự do, có quyền sở hữu ruộng đất và của cải của một xã hội tự quản. Thật là một cuộc đổi đời! Chỉ là sự thay đổi như thế đã tạo ra những con người Mỹ”[2]. Đây là một quá trình minh chứng về tinh thần tự lập của người Mỹ trải dài cùng sự phát triển đến thịnh vượng của nước Mỹ.
Cùng với nhiều nhà tư tương Mỹ, J. Fichou đã thích ứng rất nhanh nhạy về tình hình nước Mỹ và ông đã cổ vũ tinh thần tự lập của những cá trong xã hội Mỹ bằng một “khẩu lệnh” rằng:  “chúng ta thực sự có thể tự hoàn thiện, nếu ta muốn”[3]. Nhờ “khẩu lệnh” mang tính tuyên truyền này, nước Mỹ đã trở thành mảnh đất mầu mở để đung dưỡng những tinh tự lập vượt khó để vươn lên, và trong những số phải kể đến: Henry Ford (1863-1946) - người đã đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ôtô giá rẻ; Morgarn (1837-1913) - đại gia ngân hàng và tiền tệ của Mỹ; Carnegie (1835 -1919) - vua của ngành gang thép Mỹ; Rockerfeller (1839-1937) - vua dầu lửa Mỹ; William Hearst (1863-1951) - vua báo chí Mỹ; Adward Boke (1863-1930) - vua xuất bản Mỹ, Duke (1856-1925) - vua thuốc lá Mỹ,... Alexis de Tocqueville đã gọi đó là “những người công dân độc lập”, “những kẻ vốn không đủ giàu và cũng không đủ thế lực để có được một ảnh hưởng đến số phận đồng loại, song những con người cá thể đó lại tích lũy đủ trí tuệ và của cải để có thể tự thỏa mãn mình. Những con người này chẳng nợ nần ai, có thể nói là những con người này chẳng trông chờ ở ai hết; họ quen với việc luôn luôn tự coi mình được tách xa khỏi tất cả, họ tự nguyện hình dung toàn bộ số phận mình như là chỉ nằm trong bàn tay mình mà thôi”[4].
Thomas Jefferson (1743 - 1826) không chỉ là nhà luật học, lập công đầu trong việc kiến tạo ra bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) mà ông còn là một nhà triết học tầm cỡ của nước này. Tư tưởng của T. Jefferson là một sự hoà quyện giữa triết học và luật học nhưng không phải chỉ để tạo ra các định chế mang tính luật pháp mà còn là những vấn đề mang tính khái quát hoá triết học sâu sắc cho nhân sinh Mỹ, ông tuyên bố, “quyền tự do cá nhân cần phải được triệt để thực hiện, đó là quyền tự chủ và độc lập”. Quyền tự do cá nhân như là điều kiện căn bản để tự lập thân.
B.Franklin (1706 -1790), là một mẫu hình của con người tự lập thân, người Mỹ gọi ông “người Mỹ sáng suốt nhất”. Ông không những là một chính khách, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà sáng chế, chuyên gia in ấn, nhà khoa học mà còn là hiện thân của một “nhà triết học về cuộc đời”. B. Franklin nổi tiếng với các trâm ngôn rằng: “Chúa giúp đỡ những ai tự giúp đỡ mình”, “thời gian đã đi qua thì chớ quay lại nữa” “ngủ sớm, dậy sớm, đó là sự khôn ngoan, sức khỏe, kiếm sống tốt”,... từ những quan niệm như vậy đã đưa B.Franklin từ hai bàn tay trắng, từ thân phận ngheo hèn trở thành người giù có và thành đạt, được nhân dân Mỹ hết mực tôn kính đến mức cuốn Tự truyện của ông đã trở thành cẩm nang sống cho người Mỹ.
Sự thành đạt của cá nhân với người Mỹ không chỉ là “mệnh lệnh của ý chí” mà nó còn là “mệnh lệnh của trái tim”, vì thế nhà thơ W.Whitman (1819 - 1892) cho rằng, một cuộc đời thành đạt là một cuộc đời đầy xúc cảm, mang những tư tưởng đẹp đẽ, rực rỡ, phong phú về tình cảm và tình yêu. Tác phẩm Lá Cỏ của ông đã diễn tả sinh động về khả năng kỳ diệu của cá nhân, đó là tư tưởng cổ vũ một sự tự do biểu hiện bản thân, không bị khuôn vào một trật tự ước lệ nào hay một tình thế ổn định, đó là một người tự do sử dụng quyền độc lập, tự chủ để nuôi dưỡng và đi theo “cái tôi” của mình và tìm ra bản thân mình trong các quyết định đó.
2. Trong số rất nhiều trào lưu triết học thì chủ nghĩa thực dụng là biểu trưng của triết học nhân sinh Mỹ, bởi lẽ nó là trào lưu triết học được sinh ra ở Mỹ và phát huy tác dụng tốt nhất ở quê hương của nó. Mục tiêu quan trọng nhất của chủ nghĩa thực dụng chính là tính hiệu quả trong hành động của mỗi cá nhân.
C.S.Peirce (1839 - 1914) – người khai sinh ra chủ nghĩa thực dụng Mỹ cho rằng, sự vật khách quan hay không là không quan trọng, quan trọng là nó có tạo ra hiệu quả thực tế cho con người hay không. Pierce cho rằng, triết học là một loại phương pháp để giải quyết các hoài nghi nhằm xác lập niềm tin. Nhưng niềm tin đó là gì? Peirce trả lời rằng, đó không phải là niềm tin cố chấp, hoặc do uy quyền áp đặt cũng không phải niềm tin lý tính theo kiểu Descartes (1596 - 1650), mà là niềm tin được xác định do hiệu quả của quá trình kích thích - phản ứng của hành động, của mỗi con người với tư cách là chủ thể. Pierce cho rằng, ý tưởng có giá trị hay không là ở kết quả thực tiễn của nó quyết định.
William James (1842 - 1910) – người làm cho chủ nghĩa thực dụng trở thành hệ thống, đưa nó vào từng “ngõ ngách” của đời sống Mỹ lại chủ trương một chân lý “giá trị tiền mặt”. Tức là, sự hành động của cá nhân phải hướng đến hiệu quả thực tế, hiệu quả đó phải thảo mãn một nhu cầu nào đó của cá nhân, và sự thoả mãn nhu cầu cá nhân phải đo bằng “giá trị tiền mặt”. Lý luận của James chỉ ra rằng, để hành động, mỗi cá nhân cần phải có niềm tin, để có niềm tin cá nhân đó phải có kinh nghiệm. (kinh nghiệm + niềm tin + hành động = hiệu quả).
John Dewey (1850-1954) – người triển khai hệ thống triết học thực dụng của Pierce và James và làm cho cả thế giới biết đến chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Hơn ai hết, Dewey là người triển khai chủ nghĩa thực dụng vào đời sống xã hội một cách tốt nhất. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, ông cho rằng để giáo dục coá hiệu quả, người học được quyền chủ động lĩnh hội kiến thức sau khi đã thảo với thầy giáo, chứ họ không phải là cái bình để nhà trường thích rót cái gì vào cũng được. Đó là dân chủ được đề cao.
J. Dewey rất đề cao sức mạnh của ý chí, của giá trị vật chất và xem đó là căn nguyên của mọi thành công. Chỉ khi nào đạt được thành công thì mới xem đó là chân lý, và ngược lại chân lý chính là sự thành công. J.Dewey viết: “Nếu chúng ta đạt được thành tựu trong việc của mình, tức là chúng đáng tin cậy vững vàng, chắc chắn, tốt, chân chính”[1]. Tuy nhiên, theo Dewey không phải chỉ có một mà là có nhiều, đúng như cách nói của Krisnammuti: “chân lý là một mảnh đất không có đường đến”. Vì thế, Schiler (1864 - 1937) cũng tuyên bố: “Cho phép bất cứ người nào cũng có chân lý của riêng mình”. Những quan điểm như vậy của chủ nghĩa thực dụng đã cung cấp cho nhân sinh Mỹ một quy chế triết học, một nguyên lý để hành động cho mình, vì mình, là lập thân, lập nghiệp.
Chủ nghĩa cá nhân Mỹ bao giờ cũng đặt con người (cá nhân) ở ngôi thứ nhất, ở giá trị trong tính cụ thể của nó. Người Mỹ nói rằng, con người phải được đảm bảo để có thể tự cai trị lấy mình. Hoạt động đưa lại giá trị (hiệu quả, chân lý) phải là số một. Thế nhưng, tại sao con người lại trở nên vong thân, lại trở thành một tạo phẩm thừa thải của tạo hóa khi kết quả hành động (những hàng hóa) quay lại báo thù con người. Chủ nghĩa nhân vị Mỹ đã ra đời để sửa chữa lại những “khuyết tật con người” đó ở Mỹ.
Chủ nghĩa nhân vị ra đời ở châu Âu nhưng cũng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ gắn với nhiều tên tuổi như Bowne (1847 - 1910), Brightman (1884 - 1953), Flewelling (1871 - 1960) và Hocking (1873 - 1966) sở dĩ như vậy là vì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cô đơn đã là những giá trị truyền thống của nước Mỹ.
Người Mỹ rất đề cao tính độc lập, tính cá nhân. Con người tự lập thân Mỹ chỉ hành động theo những giá trị thiêng liêng của mình. Lý do lịch sử giải thích cho điều này là người Mỹ rất tôn sùng những “anh hùng cô đơn”, “anh hùng trinh thám”, xã hội Mỹ lại rất đề cao những con người sớm rời bỏ mái ấm gia đình (xuất gia), tự bứt phá trong cạnh tranh. Bởi vậy, họ phải tự thân chấp nhận kiếm sống nuôi thân không dựa dẫm, bấu víu vào ai, điều gì ngoài thân phận của mình.
Người Mỹ đề cao con người hành động một cách độc lập, điều đó đồng nghĩa đề cao nhân vị, bởi vì bằng hành động người ta tìm thấy mình trong những kết quả, những ý nghĩa mà nó “mặc vào” cho đối tượng. Bowne cho rằng, nhân vị là tôi ý thức về cái tôi (đời sống cá nhân) cho nên mọi thực tại được thiết định bằng phạm trù duy lý là vô nghĩa, thực tại được thấy ra trong sự xác nhận, trong giá trị (sự đánh giá), đó là cái mà tôi đang nghiệm thấy. Brightman đi xa hơn Bowne ở chỗ phủ nhận những bản chất mà chủ nghĩa khái niệm nêu ra. Ông cho rằng “cái tôi” sinh ra bản chất đấy là một hành vi sáng tạo nhờ vào thân xác (chủ thể). Đương thời, bên kia Đại Tây Dương, J.P.Sartre (1905 - 1980) – linh hồn của phong trào hiện sinh Pháp cũng cho rằng “hiện sinh có trước bản chất”.
Vậy, con người sáng tạo dựa trên cơ sở nào? Hocking (1873 - 1966) cho rằng, niềm tin là cơ sở của ý chí sáng tạo. Niềm tin đó nằm trong kinh nghiệm, trong bản năng sâu thẳm của thân xác (chủ thể). Trong nhận thức học, Bowne khẳng định rằng nhân vị là cái tôi sẽ kiểm thảo lý trí, tức là khái niệm, sau đó dùng các khái niệm đã kiểm thảo để giải thích thế giới. Đã là nhân vị thì bao giờ cũng độc đáo, cái độc đáo nhất là Thượng đế vì Ngài là một nhân vị vô hạn và tối cao. Nhân vị của tha nhân là đa nguyên, nhưng lại có thể thông giao với nhau trong tương tác. Sự thông giao ấy biểu hiện ở chỗ, chúng đều là những biểu hiện của nhân vị Thượng đế. Thượng đế là một khế ước được giao kết bởi các nhân vị, Bowne gọi đó là chủ nghĩa nhân vị cộng đồng. Chủ nghĩa nhân vị Mỹ cho ta thấy cách giải thích của người Mỹ về sự liên kết giữa họ trong quá trình tự lập thân.
Cùng với chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh thực dụng và chủ nghĩa Freud mới cũng tạo ra những hướng đạo cho con người tự lập thân ở Mỹ tiếp tục bước qua xã hội hậu công nghiệp. Karen Horney (1885 - 1952), đại biểu chính của chủ nghĩa Freud mới ở Mỹ cho rằng, xung động ở vô thức quyết định hành vi của con người, nhưng đó không phải là xung động vô thức của bản năng tính dục như Freud nói mà là nhu cầu an toàn. Điều quan trọng là phải tạo được một môi trường lành mạnh để cá nhân phát triển về nhân cách, xóa bỏ được lo âu, thỏa mãn được nhu cầu an toàn.
Ý tưởng của Horney có lẽ tập trung phê bình vào những khuyết tật truyền thống của giáo dục Mỹ. Chủ nghĩa nhân bản của Bà giúp ta nhìn ra mặt trái của xã hội Mỹ, một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, mà mặt cực đoan của nó đã đẩy cá nhân ra xa nơi nương náu tinh thần cho những giá trị con người (gia đình, cộng đồng...).
Nhưng không nên nghĩ rằng người Mỹ đã đánh mất lòng tin vào “cái tôi”, và chủ nghĩa cá nhân của họ. Người Mỹ đã giải quyết sự “quá tải tinh thần” đó bằng một tinh thần lạc quan cũng “rất Mỹ”. R Harper nhà triết học hiện sinh Mỹ cho rằng, chủ nghĩa lạc quan Mỹ đã thực dụng hóa chủ nghĩa bi quan để tạo nên một chủ nghĩa hiện sinh có nhiều khả năng mạnh mẽ về cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh Mỹ là phương tiện để người Mỹ tự cai quản lấy mình. Paul Tillich (1886 - 1965) nhà triết học Mỹ cho rằng, để sống hiện sinh con người cần phải có niềm tin nhưng đó không phải là một niềm tin phổ quát mà là niềm tin xuất phát từ kinh nghiệm (chủ thể), con người dựa vào kinh nghiệm của mình để hiện hữu, để làm chính mình, cho nên, về phương diện ấy, con người là cô đơn, và do đó con người có tự do để tự biểu hiện bản thân. Ở đây, Tillich đã đồng ý với James rằng không nên hiểu Chúa theo quan điểm của chủ nghĩa hữu thần. Chúa là một niềm hy vọng, một sự cổ vũ con người đi vào tương lai không biên giới, Chúa là một hiện thể đang được sáng tạo ra, Chúa gợi cho chúng ta một niềm tin (dũng cảm) để hành đồng động sáng tạo và phát minh ra mình. Ở đây cũng nhận thấy rằng, tinh thần lạc quan cá nhân đã từng là một truyền thống tinh thần của Mỹ. Trước đó, trong Nền dân trị Mỹ Tocqueville cũng từng nhận định: “Người Mỹ sống trên một miền đất đầy những điều thần kỳ, xung quanh mình mọi thứ đều không ngừng cựa quậy, động đậy, và mỗi chuyển động hầu như là một bước tiến lên. Tư tưởng về cái mới như vậy là gắn bó chặt chẽ trong đầu óc của con người đó với cái gì tốt hơn lên. Không ở đâu con người đó thấy có cọc tiêu thiên nhiên có thể đã đặt ra để chặn bước tiến con người. Trước con mắt người đó, cái gì chưa tồn tại là cái chưa được con người định bụng làm”[5].
Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh Mỹ và cùng với nó là chủ nghĩa thực dụng Mỹ đã phơi bày con người tự lập thân Mỹ, con người tự phát minh ra mình không dựa vào những cái đã có, đã xong. Điểm đồng kết của những luận giải này là vẫn đề cao con người cá nhân dựa vào kinh nghiệm của mình để hành động, và coi kết quả của hành động đó là chân lý. Con người là tự do, là phải lựa chọn và liên tục lựa chọn nhưng xã hội công nghiệp Mỹ đã đẻ ra xã hội tiêu thụ, người lựa chọn là tổng số những lựa chọn cá nhân bị ném vào một đại chúng vô danh, mất cá tính. Cho nên, tìm lại nhân vị, tìm lại cá tính đồng nghĩa với việc chống lại văn hóa kỹ trị, chống lại chủ nghĩa cá nhân vùi đầu vào tiện nghi vật chất. Phản văn hóa những năm 1960 - 1970 ở Mỹ là một phản ứng chống lại xã hội tiêu thụ, khước từ những thái quá mà chủ nghĩa kỹ trị, chủ nghĩa duy khoa học đưa lại, nó yêu cầu một sự tái định hướng vào mục tiêu con người – con người như một thực thể độc nhất vô nhị, một nhân vị.
Cùng với sự phát triển khoa học, văn hóa thứ cấp, đặc biệt là văn hóa màn ảnh, con người có thể cứu vớt được một số giá trị từ việc cá nhân hóa, đối tượng hóa cũng tức là dành lại được nhân vị cho mình. Sở dĩ quá trình đối tượng hóa đó không ném con người vào sự tha hóa bởi vì nhu cầu tự biểu hiện của cá nhân đã được giải tỏa một phần, điều đó cũng là hệ quả đưa lại của những chuyển biến năng động trong hình thức gia đình, phân công lao động trong xã hội hậu công nghiệp. Bởi vậy, chúng ít tạo ra những làn sóng nổi loạn của cá nhân để chống lại tính tàn bạo của kỹ thuật. Đó cũng có thể được gọi là tín hiệu của nền văn minh sinh kỹ thuật, của quá trình hiện đại hóa theo hướng nhân văn. Như vậy, con người tự lập thân Mỹ sẽ luôn sống trong sự tranh đấu, trong sự tự điều chỉnh để phù hợp với hiện thực độc quyền, sống chung và luôn chống trả với hai sức mạnh của xã hội hiện đại là nhà nước và thị trường, con người vẫn phải gượng dậy để dành lấy vai trò của chủ thể. Có những thắc mắc cho rằng, người tự lập thân Mỹ có còn là chủ số phận của mình nữa hay không trong khi nó thường tuyên bố chống lại xu hướng quay về với những truyền thống tinh thần đã được định hình. Robert H.Bellah (1926 - 1988) và cộng sự cho rằng, đó là mâu thuẫn trong con người tự lập thân Mỹ, vì họ đã kế thừa từ truyền thống nhưng nền văn hóa của họ lại hướng cho họ phải quên đi xuất xứ, giải trừ quá khứ, chủ nhĩa cá nhân ích kỷ nhất là không dám chia sẻ những dính liếu đến quá khứ. Triết lý tự lập thân cắt đứt với quá khứ không còn chỗ đứng nữa. Chủ nghĩa cá nhân phải chui ra khỏi “vỏ ốc” của nó để tạo lập một sự hài hòa giữa tự do biểu hiện của cá nhân với xã hội, đó cũng là sự trở về với những ký ức công xã, những không tưởng mở - tức là ý thức trách nhiệm và tinh thần tự do sáng tạo, với ý tưởng bình đẳng, chính vì thế, nó phải cởi mở, phải thấu hiểu, khoan dung với mọi chuyển biến, mọi khác biệt con người.
3. Tóm lại, vấn đề quan yếu của quan niệm về con người tự lập thân trong triết học nhân sinh Mỹ là sự đề cao vai trò của cá nhân. Vai trò đó thể hiện ở lý tưởng thừa nhận mọi người đều bình đẳng trong lựa chọn khuynh hướng sinh tồn. Đề cao những con người hành động với sự tự tin, ý chí, năng động, lạc quan và tính tự quyết cao độ là những đặc trưng cơ bản của cá nhân. Những đặc trưng này rất phù hợp với nền kinh tế thị trường đề cao các giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Tuy nhiên, hạn chế của nó là xu hướng chỉ chạy theo các giá trị vật chất, ít quan tâm đến các giá trị nhân bản khác, lợi ích của người khác, của cộng đồng. Xã hội thị trường luôn thường trực hai chữ  “lợi ích”. Hai chữ này trong nhân sinh Mỹ là tiếng gọi “thiêng liêng” của mỗi cá nhân trong quá trình hành động vì sự tồn hữu, nó là mục đích, và có thể theo khía cạnh cực đoan của chủ nghĩa thực dụng thì nó là chân lý!
Cá nhân là một đơn vị trong cộng đồng, cộng đồng có thể lớn hay nhỏ là do sự tham gia tích của mỗi cá nhân vào quá trình vận động liên tục. Khi mỗi cá nhân tồn tại hờ hửng, lạc lỏng trong xã hội, đánh mất nhân vị thì người ta đổ lỗi cho sự phát triển quá mức trọng vật chất của xã hội. Nhưng xét đến cùng, căn nguyên của sự đánh mất nhân vị và phải đi tìm lại nó để làm cứu cánh cho sự tồn hữu ngắn của mỗi cá nhân là do cá nhân không cưỡng lại được nền văn minh do mình tạo ra. Sống hiện là cách mà cá nhân phản ứng lại xã hội, là xu hướng tách mình ra khỏi hệ thốngcộng đồng.
Những giá trị nhân bản của con người được luận giải một cách sâu sắc trong các trào lưu triết học nhân sinh Mỹ, những trào lưu triết học mang tính biểu trưng của triết học Mỹ (chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩ cá nhân, chủ nhân vị). Những luận giải đó là tiền đề tư tưởng để cá nhân Mỹ xác lập phương hướng nhân sinh Mỹ: Tự lập thân !    


[1] Phong Hiền, Sđd, tr. 321.
[1] Tocqueville Alexis de, Nền dân trị Mỹ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.567.
[2] Bellah Robert H. và cộng sự, Văn hóa và tính cách của người Mỹ, Nxb Khoa học xã hội & Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.42.
[3] Fichou Jean Pierre, Văn minh Hoa Kỳ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998, tr.86.
[4] Tocqueville Alexis de, Nền dân trị Mỹ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.678.
[5] Tocqueville Alexis de, Nền dân trị Mỹ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.547.
Nguồn: Tạp chí Châu Mỹ ngày nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét