1. Quyền con người (human rights) là một trong những chủ đề lớn của
triết học chính trị đương đại[1]. Trên
khía cạnh thực tiễn, quyền con người hiện không còn chỉ là một vấn đề tuyên
ngôn nữa mà đang trở thành "một vấn đề mang tính toàn cầu" (Federico
Mayor), và là "kinh phúc âm mới của thời đại chúng ta"
(Boutrous-Boutrous Ghali). Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà vấn đề quyền
con người nhận được sự quan tâm kiến giải từ nhiều cách tiếp cận, nhiều quan
điểm khác nhau. Trong bài viết này, thông qua việc phác thảo những nét chủ yếu
về quyền con người, tác giả đưa ra một cái nhìn về tư duy đặc sắc của Hồ Chí
Minh về quyền con người được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1945, một văn kiện được đánh giá là áng "thiên
cổ hùng văn" của nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
2. Người ta đã đánh giá khái niệm quyền con người là một trong mười phát kiến làm thay đổi thế giới,
cùng với Nông nghiệp (Farming), Cái Vô thức (The Unconscious), Thuyết Tương đối
(Relativity), vắcxin (Vaccination), thuyết Tiến hóa (Evolution), World wide web,
xà phòng (Soap), số 0 (Zero), và Lực hấp dẫn (Gravity).[2]
Đặc biệt, trong khoảng 200 năm trở lại đây, quyền con người đã trở thành một
vấn đề cốt lõi của triết học chính trị phương Tây đương đại và ngày càng mang
một ý nghĩa căn bản.
Về phương diện lịch sử, ý tưởng về
quyền con người đã xuất hiện từ rất sớm. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là
những ý tưởng đó đã đầy đủ những ý nghĩa như khái niệm quyền con người hiểu theo
nghĩa hiện đại của nó. Ngay từ thời cổ đại, nhà triết học Aristotle đã từng đề
cập một cách khái quát về các quyền có ý kiến của công dân thành bang trong
việc sở hữu và tham gia vào chính sách công. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng,
trong hàng nghìn năm tồn tại của thời cổ đại vẫn chưa có bất cứ khái niệm nào
về các quyền phổ quát của con người, mà chỉ tồn tại dưới dạng những ý niệm tản
mác và rời rạc[3].
Phải đến thế kỷ XVII - XVIII, thời đại
của những cuộc cách mạng tư sản, quyền con người mới được các nhà tư tưởng Khai
sáng luận bàn với tư cách là một khái niệm chặt chẽ. Từ cách tiếp cận pháp
quyền tự nhiên, các nhà tư tưởng Khai sáng khẳng định, quyền con người là đặc
quyền tự nhiên và vì thế chỉ con người mới có.
Locke đưa ra và lập luận rằng, các quyền tự nhiên cơ bản của con người bao gồm
quyền sống, quyền được tự do và quyền sở hữu tài sản. Quan niệm này đã sau đó được thể chế hóa một cách đầy đủ trong Tuyên
ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên
ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791. Theo các văn kiện này, quyền
tự nhiên và quyền con người được xem là Một.
Công lao của các nhà tư tưởng Khái sáng là
không thể phủ nhận khi họ đã giương cao ngọn cờ Tự do - Bình đẳng - Bác ái
trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến đã lỗi thời, lập nên chế độ dân
chủ cộng hòa tiến bộ. Cùng với điều đó, các quyền con người cũng đã được khẳng
định và nâng lên thành các nguyên tắc pháp lý với tư cách là những quyền tự
nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề cũng nảy
sinh từ đây. Với việc tuyệt đối hóa vai trò của tự do cá nhân, của quyền tư hữu
"thiêng liêng bất khả xâm phạm" đi liền với cực đoan hóa chiều cạnh
cá nhân, đã dẫn đến việc đối lập cá nhân với cộng đồng, tách rời quyền của mỗi
con người với quyền của cộng đồng, của xã hội và dân tộc. Hồ Chí Minh khi đánh
giá về các cuộc cách mạng tư sản đã chỉ rõ đó là các cuộc cách mạng "không
đến nơi", và tất nhiên là kết quả trực tiếp mà nó mang lại, tức khái niệm
quyền con người, cũng chưa được hiểu với nghĩa đầy đủ và nhân văn nhất của nó.
3. Quan niệm của Hồ Chí Minh về quyền con người trong Tuyên Ngôn Độc lập là sự kết tinh của
một quá trinh suy tư lâu dài trên cơ sở kế thừa giá trị tinh hoa của nhân loại
và năng lực tư duy tuyệt vời của người. Qua ngòi bút uyển chuyển, linh hoạt mà
không kém phần độc đáo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và triển khai những "nút
thắt" mà lịch sử tư tưởng nhân loại về quyền con người còn chưa tìm thấy
lối mở.
Ngay từ
những câu đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập,
như một lời khẳng định về quyền tự nhiên của con người, Hồ Chí Minh đã trích
dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
của nước Pháp như sau: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.
Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy,
có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"[4]; "Người
ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và
bình đẳng về quyền lợi"[5]. Đây
là "những lẽ phải không ai chối cãi được", tuy nhiên điểm đặc sắc trong
tư duy của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ Người đã tinh ý chuyển ngữ "all men" trong nguyên tác vốn
được dùng để chỉ "tất cả những người đàn ông da trắng có tài sản"
thành "all people" dùng để
chỉ tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, giới tính, giai cấp,
giàu nghèo, có tài sản hay không có tài sản... Điều này xuất phát từ quyền tự
nhiên của con người. Đã là con người thì ngay từ đầu đã được Tạo hóa ban cho
những phẩm giá (dignity) như nhau, không phân biệt. Nhà Hồ Chí Minh học người
Mỹ có tri thức uyên thâm Lady Borton còn đưa ra nhận xét rằng, khi dịch chữ "all
men" trong văn bản của Thomas Jefferson chỉ bao hàm những người đàn ông, đương nhiên phải là da trắng và có tài sản, đã được Người diễn dịch thành "tất cả mọi người"
(all people) mà trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam bao gồm tất
thảy các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Lady
Borton nhấn mạnh tiếp, đây cũng là văn kiện rất sớm trong đời sống chính trị
của thế giới đã xác lập quyền bình đẳng của phụ nữ với tư cách công dân. Bà gọi
đây là "cuộc cách mạng trong một chữ". Có thể thấy rằng, trên thế
giới hiện nay việc đấu tranh cho quyền của phụ nữ đang diễn ra sôi động không chỉ
về mặt lý luận mà còn cả trong thực tiễn[6]. Nam
giới không còn "vạn lý độc hành" nữa mà giờ đây đã có người đồng hành
với họ là những người phụ nữ đầy tài năng và đức hạnh. Nữ giới đang ngày càng
có những bước tiến mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đương đại. Về
mặt ngôn ngữ, trên các diễn đàn, hội nghị, từ ngữ được sử dụng cũng đang dần
được người ta "trung tính hóa" về giới, theo đó những từ như "chairman"
được thay bằng "chairperson"… Đặt trong bối cảnh như thế mới thấy
được sự tinh tế, tấm lòng nhân văn và tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Chí Minh.
Với "tầm
mắt đại bàng của tư duy" (theo cách nói của triết gia Đức G.V.F. Hegel),
Hồ Chí Minh còn hướng tầm mắt đến một mục tiêu xa hơn khi chuyển từ "tất
cả mọi người" thành "tất cả các dân tộc trên thế giới". Hồ Chí
Minh viết: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình
đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"[7]. Có
thể khẳng định luận điểm này đã đưa ra một trong những chân lý của thời đại.
Theo đó, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở "sự thật hiển nhiên" là quyền tự nhiên của con người mà đã triển
khai thành một "sự thật hiển nhiên" khác đó là quyền tự quyết, quyền độc lập tự do của các dân tộc hay quyền tự nhiên của các dân tộc - điều mà
cho đến cuối thế kỷ XX mới được công nhận[8]. Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ McGovern,
người luôn tích cực trong việc chống chiến tranh ở Việt Nam , đã phải
thốt lên: "Đây quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt".
Cũng
như Thomas Jefferson, ngay từ đầu Hồ Chí Minh dự định viết tuyên ngôn về sự độc
lập của dân tộc chứ không phải tuyên ngôn về quyền con người. Trong nhãn quan
của một vị lãnh tụ thiên tài, Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, đối với Việt Nam lúc này hay các dân tộc thuộc
địa bị áp bức, điều kiện tiên quyết là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và
toàn vẹn lãnh thổ. Nói cách khác, quyền con người không thể tách rời,
đứng trên độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bởi lẽ chỉ khi giành được độc
lập cho dân tộc, chủ quyền cho quốc gia thì mới đem lại quyền tự do, hạnh phúc
cho mỗi cá nhân. Vì vậy, "không có gì quý hơn độc lập tự do" đã trở
thành giá trị cao nhất của quyền con người, nhất là đối với dân tộc Việt Nam
lúc này. Có thể khẳng định, tư tưởng này là kết quả tất yếu, hợp lôgic xuất
phát từ cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về quyền con người - cách tiếp cận quyền
con người trong tính chỉnh thể dựa trên cơ sở quan điểm thực tiễn, quan điểm
toàn diện, biện chứng của chủ nghĩa Mác, và quan trọng hơn hết là tiếp cận từ địa vị của một người dân bị mất nước
đang tìm đường giải phóng, đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho toàn
dân tộc và do đó cũng cho mỗi con người Việt Nam.
Điểm
đặc sắc thứ ba trong tư duy của Hồ Chí Minh về quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập, như lời A. Patti -
người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ OSS, có mặt tại Hà Nội ngay sau ngày Tổng
khởi nghĩa (20/08/1945) đó là, khi đọc Tuyên
ngôn Độc lập của Việt Nam, ông nhận thấy dường như Hồ Chí Minh đã "đảo
vị trí" của hai từ "quyền tự do" và "quyền sống" so
với nguyên bản của Tuyên ngôn Độc lập
của Mỹ.[9] Thực
ra, về mặt văn bản, Hồ Chí Minh vẫn giữ đúng vị trí của những quyền ấy, song với
tư duy biện chứng trong nhận thức chính trị về quyền con người của một nhà lãnh
đạo cách mạng Việt Nam kiệt xuất, Hồ Chí Minh thấy rõ được rằng, không thể có
tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do.
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra nhận định tương tự trong phiên họp
đầu tiên của nội các độc lập và nhắc lại trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh huyện và làng rằng, "nếu
nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa
lý gì"[10]. Tư duy
đặc sắc và cái nhìn biện chứng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đó.
Bản
Tuyên ngôn độc lập kết thúc với lời tuyên bố hùng tráng trước toàn thế giới: "Nước
Việt Nam
có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do, độc lập ấy"[11]. Đây
có thể được xem như một lời khẳng định mạnh mẽ về quyền tự quyết thiêng liêng của
một dân tộc mà "không ai có thể chối cãi được" và cũng không thể bị
tước bỏ bởi mưu đồ của bất cứ một thế lực nào khác. Và "toàn thể dân tộc
Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do, độc lập ấy"[12].
4. Tuyên ngôn Độc lập
không phải là văn kiện duy nhất chứa đựng tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con
người. Song có thể khẳng định, trong văn kiện này đã kết tinh những suy tư lâu
dài của Hồ Chí Minh về quyền con người, mà đến lượt nó được Người tiếp tục
triển khai cụ thể hơn trong quá trình hoạt động cách mạng. Người ta có lý khi
cho rằng, những tư tưởng đặc sắc về quyền con người của Hồ Chí Minh trong Tuyên Ngôn độc lập năm 1945 đã tiên liệu
những điều khoản quan trọng trong các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con
người[13], như
quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng giới, v.v..
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang diễn
ra với những biến động phức tạp, việc hoạch định đường lối, chính sách, xây
dựng pháp luật cũng như nghiên cứu lý luận về quyền con người đang trở thành
một trong những yêu cầu cấp thiết đối với quá trình xây dựng và phát triển đất
nước. Để làm tốt điều đó thì nhất thiết phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, mà Tuyên ngôn Độc lập là một nguồn khơi chứa đựng những hạt giống tinh
túy nhất, quý giá nhất.r
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Wolfgang Benedeck, Tìm
hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008.
2.
Lady Borton, "Tuyên ngôn độc lập hay là cuộc cách
mạng qua một từ", http://www.sgu.edu.vn/
3.
"Giá trị pháp lý của Tuyên ngôn độc lập", http://www.cpv.org.vn/
4. Phạm Khiêm Ích, Hoàng Văn Hảo (chủ biên), Quyền con người trong thế giới hiện đại,
Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
5.
Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
6. Dương Trung Quốc, "Tuyên ngôn độc
lập và những tư tưởng mang tính thời đại", http://www.vietbao.vn/
7.
UNDP, Human
development Report (Human Right and Human Development), New York : Oxford University Press, 2000.
8.
http://en.wikipedia.org/
[1]
Trong triết học chính trị đương đại, ngoài quyền
con người, còn có những mảng chủ đề cơ bản khác như: giải phóng, công bằng,
tự do bình đẳng; vai trò của các quốc gia, dân tộc; mối quan hệ giữa quốc gia
và cá nhân; bản chất của chính quyền nhà nước; địa vị của luật pháp; vai trò
của quyền lực chính trị…
[2] CNN, Ten ideas that changed the world, http://edition.cnn.com/2008/WORLD/europe/11/21/
[3] Xem:
wikipedia, mục từ "human rights".
[4] Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.1.
[5] Hồ Chí
Minh, Sđd, tr.1.
[6]
Xem thêm: Nguyễn Việt Phương, Tư tưởng nữ
quyền trong triết học phương Tây hiên đại, Luận văn thạc sĩ triết học, Đại
học Khoa học Huế, 2009.
[7] Hồ Chí
Minh, Sđd, tr.1.
[8]
Phải đến Tuyên ngôn Vienna
và chương trình hành động (được Hội nghị thế giới về quyền con người thông
qua ngày 25/06/1993 tại Vienna ,
Austria ), tức
là sau Tuyên ngôn Độc lập của nước ta
gần nửa thế kỷ, vấn đề quyền tự quyết, quyền độc lập tự do của các dân tộc mới
được công nhận. Trong Tuyên bố Vienna có viết:
"Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc tự do
quyết định thể chế chính trị của mình và tự do theo đuổi con đường phát triển
kinh tế, xã hội và văn hóa của mình. (…) việc khước từ quyền dân tộc tự quyết
là sự vi phạm quyền con người" (dẫn theo: Phạm Khiêm Ích, Hoàng Văn Hảo (chủ biên), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện Thông tin Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1995, tr.656.
[9] Về điều
này, có thể tham khảo thêm: Bác Hồ với
Tuyên ngôn Độc lập, http://www.cpv.org.vn/
[10] Báo Cứu
quốc, ngày 17/10/1945.
[11] Hồ Chí
Minh, Sđd, tr.4.
[12] Hồ Chí
Minh, Sđd, tr.4.
[13]
Các văn kiện này bao gồm: Hiến chương của Liên hợp quốc (1945); Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
(1948); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966); Công ước quốc
tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Tuyên bố Vienna và Chương
trình hành động (1993).