Tóm tắt:
Phát
triển nguồn lực con người hiện đang trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết
đối với nhiều quốc gia trên thế giới
nhằm đảm bảo một sự phát triển vững chắc và lâu bền trong hiện tại và tương lai.
Đối với Việt Nam, quan điểm phát triển nguồn lực con người đã được Đảng và Nhà
nước khẳng định, và đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của chiến
lược phát triển đất nước. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phương
châm phát triển bền vững cần và hơn
thế phải huy động mọi nguồn lực,
trong đó nguồn lực con người giữ một vai trò trung tâm của sự phát triển. Tuy
nhiên định kiến giới với tư cách là định kiến đối với nữ giới (chúng tôi nhấn
mạnh) đang trở thành rào cản gây trở ngại không nhỏ đối với việc xây dựng và phát
huy nguồn lực con người ở Việt nam. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung
phân tích về định kiến giới, qua đó đề xuất một số phương hướng góp phần xóa bỏ
định kiến giới, mở đường cho việc phát triển nguồn lực con người bền vững ở
Việt Nam
hiện nay.
1. Nguồn lực
con người - nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam
Thế giới
đương đại đang thể hiện một bộ mặt rất sống động với quá nhiều sự thay đổi so
với trước đây. Có thể nói, đây là thời đại mà các quốc gia, dân tộc phải không
ngừng củng cố và phát triển tiềm lực để có thể tồn tại trong bối cảnh toàn cầu
hóa đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Phát triển là xu thế tất yếu của
mọi quốc gia, song phát triển như thế nào thì lại là một vấn đề cần phải đặt ra
và suy nghĩ. Nếu như nhà triết học Đức Martin Heidegger (1889 - 1976) từng nói
rằng mỗi thời đại đều có một vấn đề để phản tư, thì ngày nay, phát triển đang nổi lên như là một vấn
đề của thời đại. Trên các diễn đàn, phát triển đã được tiếp cận và kiến giải
bằng nhiều cách khác nhau, nhiều mô hình phát triển đã được đưa ra thảo luận và
triển khai. Quả thật, "cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì hợp
lý", nhà triết học Đức G.W.F. Hegel (1770 - 1831) đã nói như thế, vào
những thập niên cuối thế kỷ trước, một mô hình phát triển mới đã hình thành với
triển vọng sẽ trở thành một mô hình phát triển hoàn chỉnh đó là mô hình phát triển bền vững. Và thực tiễn toàn cầu hiện nay cho
thấy, phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu phổ quát của nhiều quốc
gia nhằm đảm bảo một sự phát triển vững chắc và lâu bền.
Đối với Việt Nam, những
thành tựu to lớn đã đạt được trong khoảng thời gian 25 năm đổi mới vừa qua đã khẳng
định con đường phát triển đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Vấn đề
lúc này và cũng là một nhu cầu cấp thiết đó là phải xây dựng được một triết lý
phát triển đúng đắn dựa trên tính bền vững (sustainability) để có thể đảm bảo
cho một sự phát triển bền vững.
Trên con đường phát triển ở
Việt Nam, một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định đó chính là nguồn lực con người (human resources), bởi
lẽ suy đến cùng, con người là chủ nhân sáng tạo ra lịch sử của chính mình thông
qua hoạt động thực tiễn tích cực và năng động. Nhận thức được tầm quan trọng mang
tính quyết định của nhân tố con người trong sự phát triển đất nước, Đảng và Nhà
nước Việt Nam
luôn chú trọng đến việc làm thế nào để có thể phát huy nguồn lực con người một
cách có hiệu quả nhất.
Nhằm thực hiện mục tiêu đến giữa
thế kỷ XXI, Việt Nam phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định
hướng xã hội chủ nghĩa[1],
trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển, trong đó
cần "phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn
lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển"[2].
Quan điểm trên, về thực chất,
là sự tiếp nối tư tưởng nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam xem con người là
chủ thể và là nguồn lực quan trọng quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách
mạng Việt Nam; và tất nhiên mọi quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng phải
hướng tới mục tiêu nhân văn cao cả là vì con người.
2. Định kiến
giới với tư cách là rào cản đối với phát triển nguồn lực con người bền vững ở
Việt Nam
Ở Việt Nam , phát triển bền vững là sự
nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, do đó cần
và hơn thế phải huy động tối đa sự
tham gia của mọi người, mọi giới trong xã hội vào việc lựa chọn các quyết định
quan trọng. Lịch sử phát triển xã hội cho thấy, không thể có phát triển thực sự
nếu vẫn còn một bộ phận nào đó của xã hội bị đối xử bất công hoặc bị loại trừ
khỏi sự phát triển. Thêm nữa, để có những bước tiến vững chắc và lâu bền trên
con đường phát triển đất nước thì nhất thiết phải phát huy mọi nguồn lực, trong
đó nguồn lực con người giữ vị trí trung tâm của sự phát triển. Thực tiễn đã
khẳng định nguồn lực con người là yếu tố nội sinh năng động, quyết định đến
chiến lược phát triển bền vững của một quốc gia. Sự phát triển chỉ có thể có được bền vững
khi sự phát triển ấy hướng đến mục tiêu phát triển con người với tư cách là một
thực thể tự do và hạnh phúc. Xuất phát từ ý
hướng ấy, không khó để giải thích tại sao Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến
bộ của phụ nữ nhằm hướng đến công bằng xã hội và phát triển bền vững là
một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia về phát triển bền vững của Việt
Nam. Nói cách khác, đảm bảo sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là một yêu
cầu cấp thiết để giải quyết bài toán về phát huy nguồn lực con người vì các mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc
tế.
Tuy
nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, bên cạnh những thành
tựu to lớn đã đạt được thì hiện nay, trong xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều bất
cập, mà một trong số đó là hiện tượng bất bình đẳng giới và tình trạng phân
biệt đối xử đối với nữ giới đang tồn tại khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của
đời sống xã hội. Điều này vô hình trung đã gây cản trở nhất định đối với phát
triển bền vững. Cố nhiên, bất bình đẳng giới và tình trạng phân biệt đối xử đối
với phụ nữ chỉ là những hiện tượng bề nổi mà nguyên nhân sâu xa của các hiện
tượng ấy, theo chúng tôi, chính là định
kiến giới. Do đó, muốn xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới và sự phân biệt
đối xử đối với phụ nữ trong hiện thực thì trước hết phải xóa bỏ định kiến giới trong quan niệm của mỗi
con người và của toàn xã hội. Nói cách khác, không còn giữ định kiến giới thì
việc thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy sự tiến bộ của nữ giới mới trở nên
khả thi và triệt để. Vậy định kiến giới
là gì? Và định kiến giới bắt nguồn từ đâu?
Định kiến
giới là một hiện tượng hiện diện khá phổ biến trong các xã hội nam quyền. Trong
các xã hội ấy, bất cứ ở đâu và trong bất cứ mối quan hệ nào giữa nam giới và nữ
giới, chúng ta đều có thể bắt gặp định kiến. Và hiển nhiên, những hình thức của
định kiến giới trở nên rất khó phát hiện vì nó đã trở thành "lẽ
thường" trong lối nghĩ của cộng đồng. Chúng ta đã sống trong một môi
trường mà ở đó những khuôn mẫu giới tính sẵn có trở nên "tự nhiên",
"bình thường" theo kiểu nam giới phải như thế này, nữ giới phải như
thế kia. Đó chính là những khuôn mẫu giới đã trở thành định kiến mà mỗi người
ít nhiều tiếp thu được, tuỳ thuộc vào giới tính của mình.
Trong Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, thuật
ngữ "định kiến" được định nghĩa là "hiện tượng tâm lý tiêu cực
đối với một nhóm xã hội, một cá nhân hay một sự vật, là hiện tượng nhất định có
tính chất định hình, khó thay đổi bằng những thông tin, nhận thức duy lý...
được củng cố, định hình dần và được biện minh là 'hợp lý' trong nội tâm"[3].
Luật Bình đẳng giới (2006) định nghĩa định kiến
giới là "nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm,
vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ"[4].
Từ những định
nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu định
kiến giới là một hiện tượng tinh thần
bao gồm nhận thức, thái độ và đánh giá thiên
lệch, tiêu cực được định hình và khó thay đổi của giới này đối với đặc tính tâm
lý, vị trí, vai trò và năng lực của giới khác.
Cách hiểu
này cho thấy, định kiến giới tác động đến cả nam giới và nữ giới, song trên
thực tế, so với nam giới thì nữ giới là đối tượng chủ yếu chịu sự tác động thường
xuyên của định kiến giới. Từ góc nhìn đó, chúng tôi sẽ tập trung phân tích về định kiến giới như là định kiến đối với nữ
giới (chúng tôi nhấn mạnh)*.
Sở dĩ các
quan niệm định kiến giới này thường thiên lệch bởi lẽ trên thực tế những đặc tính
tâm lý, vị trí và vai trò ấy có thể đại diện cho cả nam giới và nữ giới, song lại
thường bị "chỉ định, gán cho" nữ giới và điều này đã gây thiệt thòi
cho họ xét theo một khía cạnh nhất định. Chính định kiến giới ấy đã hạn chế những
tiềm năng to lớn của nữ giới, đồng thời cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn
đến một hiện tượng phổ biến khác đó là bất bình đẳng giới. Vì vậy, để có thể
xây dựng được một xã hội tốt đẹp, công bằng và bình đẳng giới thì không thể
không xóa bỏ định kiến giới.
Về sự tồn
tại định kiến giới, trong lĩnh vực tâm lý học đã đưa ra những lý giải khác nhau.[5]
Ở đây, chúng tôi cũng xin chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành
định kiến giới:
Trước hết, định kiến giới là sản phẩm đặc trưng của nền văn hóa nam quyền.
Sắc thái nam quyền trong văn
hóa và xã hội Việt Nam
bắt nguồn chủ yếu từ trong lịch sử và được phát huy quyền năng của nó nhờ sự
hậu thuẫn mạnh mẽ của hệ tư tưởng Nho giáo. Được du nhập vào nước ta từ sớm,
Nho giáo không chỉ dần khẳng định được
vai trò quan trọng của nó mà còn lưu lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống xã hội và
văn hóa của dân tộc ta. Trong một thời gian dài, những chuẩn mực lễ nghĩa mang sắc
thái nam quyền của Nho giáo đã trở thành khuôn mẫu kiến tạo xã hội Việt Nam,
theo đó vị trí và vai trò của nữ giới hầu như không được coi trọng nếu không
muốn nói là bị khinh miệt. Hiện nay, dù Nho giáo không còn giữ vai trò hệ tư
tưởng chính thống, tuy nhiên những yếu tố "nam quyền" của Nho giáo vẫn
ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn hóa Việt Nam. Bắt nguồn từ trong lòng nền văn
hóa ấy, quan niệm "trọng nam khinh nữ" đã được gieo trồng, sinh sôi và
bám rễ sâu trong suy nghĩ của con người Việt Nam (cả nam giới và nữ giới) và qua
lăng kính ấy dần trở thành lối tư duy định kiến đối với nữ giới trong mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội.
Trong
bối cảnh giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở và hội nhập kinh tế quốc tế đang
diễn ra mạnh mẽ như là xu thế tất yếu đương đại, đất nước Việt Nam ngày hôm nay
đã có quá nhiều sự đổi khác theo chiều hướng tiến bộ và văn minh hơn. Nền văn
hóa Việt Nam thể hiện biện
chứng đan quyện của tính hiện đại và tính truyền thống đan quyện vào nhau hợp
thành chỉnh thể văn hóa Việt Nam .
ễn tượng của sự phát triển ấy thì những yếu tố nam quyền và tâm lý gia trưởng
vẫn còn in dấu khá đậm nét trong cộng đồng người Việt. Chính điều này đã góp
phần không nhỏ vào việc duy trì sự tồn tại dai dẳng của định kiến đối với nữ
giới trong xã hội Việt Nam .
Thứ hai, định kiến giới hình thành từ sự vận động và biến đổi của phân công lao
động xã hội xét từ góc độ giới.
Mặc dù huyền thoại về một xã
hội mẫu quyền tồn tại vào buổi đầu của lịch sử, tuy nhiên bản thân lịch sử thì
lại luôn vận động, biến đổi. Sự phát triển ngày càng cao của nền sản xuất xã
hội đã dần làm thay đổi cấu trúc phân công lao động xã hội. Nếu như ban đầu,
công việc sản xuất của nữ giới chiếm vị trí quan trọng thì càng về sau, với sự
phát triển của công cụ lao động và sự biến đổi phân công lao động thì ưu thế về
mặt sinh học đã làm cho công việc sản xuất xã hội của nam giới ngày càng trở
nên quan trọng và theo chiều ngược lại, kinh tế gia đình của người phụ nữ trở
nên kém quan trọng, theo đó nam giới từng bước chiếm giữ những công việc kinh
tế chủ đạo, còn nữ giới dần bị đẩy về phạm vi gia đình với những công việc nội
trợ hàng ngày. Chính việc nam giới đảm nhiệm những công việc lao động sản xuất
chủ yếu, còn nữ giới giữ vai trò thứ yếu trong sản xuất đã làm thay đổi quan hệ
trong gia đình, theo đó nữ giới cũng dần lệ thuộc vào nam giới. Sự lệ thuộc về
mặt kinh tế như phân tích ở trên đây tất yếu sẽ dẫn đến sự lệ thuộc toàn diện
của nữ giới vào nam giới.
Từ góc độ giới có thể khẳng
định rằng, chính sự phát triển của nền sản xuất và sự biến đổi phân công lao
động xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử đã góp phần hình thành quan
niệm định kiến "chỉ định, gán cho" nữ giới do yếu kém, thụ động,
hướng nội nên chỉ phù hợp với công việc nội trợ trong gia đình, còn nam giới
với những đặc tính năng động, linh hoạt thích hợp với những công việc "đại
sự".
Thứ ba, định kiến giới còn xuất phát từ tâm lý "an phận" của chính bản thân người phụ nữ.
Nếu như
hai nguyên nhân trước mang tính khách quan dẫn đến hình thành định kiến đối với
nữ giới thì ở nguyên nhân này, chính bản thân nữ giới phải chịu một phần trách
nhiệm về tình trạng lệ thuộc của mình và cái nhìn định kiến của xã hội đối với
mình. Với việc bị xã hội "chỉ định, gán cho" những đặc tính yếu kém,
thụ động, thay vì nữ giới phải phấn đấu, nỗ lực để xóa bỏ tình trạng ấy thì
dường như họ lại "đồng thuận" với định kiến ấy như một điều đương
nhiên, chấp nhận đó như là số phận của mình.
Hiện nay, quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang ra sức đẩy mạnh bình đẳng giới và nâng
cao nhận thức của xã hội đối với nữ giới, qua đó đem lại nhiều khả năng và điều
kiện để nữ giới có thể khẳng định và hiện thực hóa vai trò và vị trí của mình, nhưng
dường như giới nữ vẫn chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc để khẳng định tiếng nói
và khả năng của mình. Có thể thấy rằng, chính tâm lý "an phận" đang
trở thành một đặc điểm tâm lý gây trở ngại không nhỏ đối với sự tiến bộ của phụ
nữ Việt Nam .
Định
kiến giới luôn tồn tại dai dẳng trong tâm lý của con người như một lề thói tư
duy khó phai mờ. Vì vậy, xóa bỏ định kiến giới cần được nhận thức như là một
công việc lâu dài, khó khăn và đầy thử thách đòi hỏi sự nỗ lực to lớn từ cả hai
giới.
3. Xóa bỏ định
kiến giới mở đường cho phát triển nguồn lực con người bền vững ở Việt Nam trong bối
cảnh toàn cầu hóa
Bối cảnh quốc tế hiện nay thực sự đem lại rất nhiều
cho loài người khi đã mở ra cơ hội cho sự phát triển mang tính nguyên tử của
nhiều quốc gia, đồng thời sự gia tăng về phạm vi và cường độ của các mối quan
hệ liên văn hóa đã không ngừng xóa nhòa các ranh giới giữa các quốc gia, khu
vực. Thế giới đương đại dường như được thu nhỏ lại dưới sức mạnh của quá trình toàn
cầu hóa. Nhiều cách kiến giải khác nhau đã được đưa ra, song có một điểm thống
nhất đó là nhân loại ngày nay không còn là tập hợp của các cộng đồng người xa
lạ, khép kín và "xung đột" mà đã không ngừng hội nhập, xích lại gần
nhau hơn, và cũng qua đó các giá trị nhân văn phổ quát cũng dễ dàng được chia
sẻ.
Những
thành tựu đạt được về mặt chính trị pháp lý quốc tế trong thế kỷ XX đã thừa
nhận những giá trị nhân văn phổ quát về quyền con người và vị thế của người phụ
nữ đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc xóa bỏ định kiến giới. Trong thế
kỷ XX, phong trào nữ quyền ở phương Tây đã diễn ra mạnh mẽ hòa quyện với hàng
loạt các phong trào chính trị xã hội khác, góp phần không nhỏ trong việc phá đổ
thành trì kiên cố của chế độ nam quyền. Những giá trị cao đẹp của quyền con
người và quyền phụ nữ đã từng bước được thừa nhận và được thể chế hóa trong các
điều ước, các hiệp ước quốc tế. Chính những thành tựu to lớn này đã đem đến
những thuận lợi cho việc nâng cao vị thế của người phụ nữ ở Việt Nam ,
qua đó từng bước đẩy lùi định kiến giới vốn bám rễ trong tầng sâu tâm thức và
truyền thống của người Việt. Trước tiến bộ mà nhân loại đã đạt được về nữ
quyền, người phụ nữ đã bắt đầu phản tỉnh về thân phận, vai trò và vị trí của
mình trong gia đình và xã hội.
Tác
động của bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay còn thể hiện ở sự biến đổi phân công
lao động xã hội và làm thay đổi cấu trúc của gia đình ở Việt Nam, và qua đó góp
phần mở ra cơ hội để nữ giới có thể tham gia vào nền sản xuất xã hội và phát
huy cao nhất năng lực của mình. Đây là cơ sở để nữ giới có thể được nhìn nhận
một cách khác đi theo hướng tích cực hơn.
Cùng với sự biến đổi cấu
trúc gia đình thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có sự
biến đổi. Sức nặng của tôn ti, trật tự không còn nặng nề như trong các gia đình
truyền thống mà thay vào đó là mối quan hệ bình đẳng hơn theo kiểu đề cao sự tự
do cá nhân của mỗi thành viên.
Sức lan tỏa của toàn cầu hóa
đã len lỏi vào từng tế bào của xã hội - gia đình, góp phần thức tỉnh người phụ
nữ, làm cho họ thay đổi quan niệm về vai trò của vai trò, vị trí của chính mình.
Nói rõ hơn, sự biến đổi nhanh chóng của đời sống hiện đại đã tạo ra những tiền
đề thuận lợi để người phụ nữ tự tin bước ra xã hội như là một chủ thể thực sự. Thực
tiễn đã cho thấy, hiện nay người phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong các
lĩnh vực xã hội, tiếp cận thường xuyên hơn với các nguồn lực phát triển, các
quyết định, các sinh hoạt cộng đồng và thụ hưởng các lợi ích, phúc lợi gia
đình. Thêm nữa, các thành viên gia đình và các dịch vụ xã hội cũng từng bước
chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ gia đình của người phụ nữ, góp phần tạo
điều kiện và cơ hội để phụ nữ có thể tham gia vào sự phát triển xã hội và phát
huy cao nhất tiềm năng to lớn của mình.
Có thể thấy rằng, bối cảnh
quốc tế hiện nay đã mở ra những điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể vươn lên
chứng minh tiềm năng to lớn của giới mình, qua đó tạo lập hình ảnh người phụ nữ
hiện đại bản lĩnh, năng động và nhiệt huyết - người phụ nữ của thế kỷ XXI. Nếu
được như thế, thiết nghĩ, định kiến đối với nữ giới sẽ dần bị xóa bỏ trong suy
nghĩ của mỗi người và xã hội.
Nhận
thức về định kiến giới đã khó, và để xóa bỏ nó thì lại càng khó hơn. Đó là một
công việc lâu dài và nhiều thách thức. Ở đây, chúng tôi xin đề xuất một số phương
hướng góp phần gỡ bỏ rào cản định kiến giới mở đường cho việc phát huy vai trò
của nữ giới nói riêng, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phát triển nguồn
lực con người phục vụ quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam:
Một là, chú trọng nghiên cứu chuyên sâu kết
hợp với tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi những kiến thức tiên tiến về
giới và về vai trò của phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn của cộng đồng,
của xã hội về đặc tính, vị trí, vai trò của nữ giới, từng bước đẩy lùi và xóa bỏ những định kiến sai lầm, thiên lệch về
giới nữ, đảm bảo cho nữ giới có thể tham gia đóng góp cho sự tiến bộ xã hội một
cách chủ động và bình đẳng.
Trong những thập niên qua, khoa
học về giới cũng đã đạt được những bước thăng tiến đáng kinh ngạc với nhiều tri
thức mới, nhiều cách tiếp cận mới nhiều khung lý thuyết mới về giới và phụ nữ, về
vai trò của phụ nữ trong phát triển.[6]
Những tiến bộ đó sẽ chẳng là gì nếu không
được phổ biến trong xã hội cho mọi người biết. Vì thế, các chuyên gia của Quỹ
Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) luôn kêu gọi "phải tuyên truyền mạnh hơn nữa
giá trị, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội".
Để thực hiện ý hướng đó một
cách hiệu quả thì cần thiết phải chú trọng hơn nữa vào hướng nghiên cứu chuyên
sâu (tổ chức các Hội thảo quốc gia và
quốc tế về chủ đề giới và vai trò của nữ giới trong phát triển bền vững, các
chương trình nghiên cứu các cấp và hợp tác nghiên cứu về giới và phụ nữ) kết
hợp với tăng cường phổ biến kiến thức tiên tiến về giới trong xã hội thông qua
nhiều hình thức và biện pháp khác nhau (tuyên
truyền phổ thông, kết hợp giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội, các phương tiện
truyền thông đại chúng...) để mọi người có thể tiếp thu một cách nhanh
nhất, đầy đủ nhất và hiệu quả nhất những thành tựu về khoa học, chính trị, pháp
lý liên quan đến vấn đề giới và phụ nữ mà nhân loại đã đạt được, góp phần đem
lại cái nhìn mới tích cực hơn về vai trò, vị trí và những đóng góp của nữ giới,
qua đó từng bước đẩy lùi và xóa bỏ định kiến tiêu cực mà xã hội đã và đang "gán
cho" người phụ nữ.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ
thống các thiết chế kinh tế, chính trị và mạng lưới chính sách xã hội, đồng
thời đẩy mạnh xã hội hóa công việc gia đình nhằm một mặt, giảm bớt áp lực cho
nữ giới từ những công việc gia đình; mặt khác, tạo điều kiện và môi trường thuận
lợi để họ có thể khẳng định và phát huy cao nhất năng lực đóng góp vào sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần huy
động một nguồn lực đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội bởi lẽ
những đóng góp và tài năng của nữ giới Việt Nam đã được khẳng định trong tiến
trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
Ba là, khắc phục tâm lý an phận của chính
bản thân người phụ nữ, xây dựng hình mẫu người phụ nữ hiện đại năng động, bản
lĩnh, kết hợp hài hòa nhiệm vụ gia đình và trách nhiệm xã hội.
Người xưa từng nói
"tiên trách kỷ hậu trách nhân", vì thế người phụ nữ trước khi muốn
giới khác xóa bỏ cái nhìn định kiến đối với giới mình thì bản thân họ trước hết
cần phải tự nhìn về mình một cách tích cực, tự tin và chủ động hơn, từng bước
xóa bỏ tâm lý tự ti và thụ động. Việc duy trì tâm lý này trong một thời gian
dài tất yếu sẽ tạo nên lối suy nghĩ an phận nơi người phụ nữ. Chính vì thế,
người phụ nữ cần phải rũ bỏ những đặc tính an phận gây cản trở cho sự tiến bộ
của mình để phấn đấu trở thành người phụ nữ hiện đại năng động, bản lĩnh, kết
hợp hài hòa nhiệm vụ gia đình và trách nhiệm xã hội. Có như thế, định kiến giới
mới có thể từng bước bị xóa bỏ và được thay thế bởi một cái nhìn khác tích cực
hơn về giới nữ.
4. Kết luận
Định kiến giới hay cái nhìn
thiên lệch về vị trí, vai trò của các giới, nhất là của nữ giới, tất yếu sẽ dẫn
đến hệ quả tiêu cực đó là tình trạng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối
với phụ nữ. Những hiện tượng đó gây không ít khó khăn cho việc phát huy nguồn
lực con người vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam .
Viễn tượng giao lưu và hội nhập ngày càng mở rộng hiện
nay góp phần tạo ra những điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể xóa bỏ định
kiến giới như là một hiện tượng tâm lý - văn hóa đang cản trở đáng kể đối với
việc phát huy nguồn lực con người, mở ra khả năng cho việc hiện thực hóa các
mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Dù nghiên cứu về định kiến
giới ở Việt Nam không còn là lĩnh vực mới mẻ, tuy nhiên soi chiếu sự tác động của
định kiến giới đối với việc phát triển nguồn lực con người phục vụ cho phát
triển bền vững ở Việt Nam là một việc làm cần thiết. Thiết nghĩ, các phương
hướng được đề xuất trong bài viết được nhìn nhận như là một nỗ lực nhằm góp
phần gỡ bỏ định kiến giới với tư cách là một trong những rào cản đối với việc
huy động mọi nguồn lực xã hội vì mục tiêu xây dựng và phát triển một nước Việt
Nam ngày càng mạnh mẽ hơn và bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
________________________
ERASING GENDER PREJUDICE WITH DEVELOPING SUSTAINABLE HUMAN RESOURCES
IN VIETNAM
IN GLOBALIZATION CONTEXT
Summary:
In current era, sustainable
development is an essential orientation and an urgent requirement for many
countries in the world to ensure a solid and stable development in both present
and future. For Vietnam ,
concept of sustainable development has been affirmed by Communist Party and
Government, and has become an important content in national development
strategy. Industrialization and modernization with motto of sustainable
development needs and has to mobilize all resources in which
human resources always plays a central role of the development, but gender bias
as bias against female (we emphasize) has been becoming the barrier which
significantly obstructs the developing of the human resources in Vietnam. In this paper, we would
focus on analyzing gender prejudice, on which proposing some directions to
eradicate gender prejudice step by step and clearing the path for the sustainable
human resources development in Vietnam in present time.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị Vân Anh (2000),
"Định kiến giới và các hình thức khắc phục", Khoa học về phụ nữ, số 5, tr. 3-10.
2. Chiến lược quốc gia về phát triển vền vững, http://www.agenda21.monre.gov.vn
3. Ngô Tuấn Dung (2003), "Định
kiến giới từ góc độ tâm lý", Khoa
học về phụ nữ, số 6, tr. 16-24.
4. Nguyễn Tấn Dũng (2011),
"Nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và
nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011", http://www.chinhphu.vn.
5. Đảng
Cộng sản Việt Nam
(2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011),
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam
(2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Luật Bình đẳng giới (2008), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam trực tuyến, http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/
[1]
Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam ,
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 71.
[2]
Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tr. 100.
[3] "Từ điển
bách khoa toàn thư Việt Nam trực tuyến" , http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/
[4] Luật
Bình đẳng giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 9.
*
Vì nữ giới là đối tượng chịu sự tác động tiêu cực của định kiến giới thường
xuyên hơn và phổ biến hơn so với nam giới. Trong khuôn khổ của bài viết này,
chúng tôi chỉ nhấn mạnh định kiến giới như là định kiến đối với nữ giới chứ
không bàn đến định kiến đối với nam giới.
[5]
Xem thêm: Ngô Tuấn Dung, "Định kiến giới từ góc nhìn tâm lý học xã
hội", Khoa học về phụ nữ, số 6,
2003, tr. 16-24.
[6]
Trong lĩnh vực xã hội học đã xuất hiện những cách tiếp cận mới để lý giải về
vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới trong sự phát triển như Phụ nữ trong phát triển (Women in development
- WID), Giới và Phát triển (Gender and Development - GAD).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét