Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

PHÁC THẢO MỘT SỐ XU HƯỚNG NGHIÊN CỨU NHO GIÁO VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

Nho giáo Việt Nam đã được giới học thuật nghiên cứu trong nhiều năm qua với những kết quả khả quan cả về phương pháp và lý luận. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận Nho giáo Việt Nam thông qua việc xác định một số xu hướng nghiên cứu Nho giáo Việt Nam (hay còn gọi là Nho học) trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay. Có thể khái quát thành ba xu hướng sau đây: (1) xu hướng đối thoại với các trường phái Nho học khác trong khu vực và thế giới; (2) xu hướng tổng tích hợp lý thuyết liên ngành và đa ngành trong nghiên cứu các vấn đề Nho học Việt Nam; (3) xu hướng nhận thức lại kinh điển Nho gia Việt Nam từ các cách tiếp cận đương đại.

1. Nho giáo thường được xem như là một trong những di sản tinh thần của người Trung Quốc được du nhập và tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa Việt Nam. Sự hình thành và quá trình phát triển của Nho giáo gắn liền những trí tuệ anh minh bậc nhất của Trung Quốc từ quá khứ đến hiện tại. Khi được du nhập vào Việt Nam, Nho giáo đã dần biến đổi cùng với quá trình "tiếp biến văn hóa" và "bản địa hóa" (Việt hóa) mà nhờ đó, những nét ban sơ của Nho giáo Trung Quốc đã hòa quyện với những yếu tố bản địa đặc sắc của văn hóa Việt để tạo thành cái gọi là Nho giáo Việt Nam[1] mang những đường nét rất riêng. Có thể nói rằng, thoát thai từ Nho giáo Trung Quốc, tuy nhiên, xét trong một chừng mực nhất định, Nho giáo Việt Nam đã dần vươn lên trở thành một thực thể độc lập, và trở thành hệ tư tưởng chính thống của tập đoàn phong kiến Việt Nam trong một số giai đoạn lịch sử nhất định.
      Dòng thời gian vẫn tiếp tục trôi đi, bánh xe lịch sử cũng không ngừng tiến lên phía trước. Một thời đại mới đã mở ra với nhiều cơ hội và thách thức. Người ta thường gọi đó là thời đại toàn cầu hóa. Có thể nói, trong thế giới đương đại, hầu như mọi giá trị, bao gồm cả giá trị truyền thống của các dân tộc, đều được đặt trước những thách thức của toàn cầu hóa. Và, Nho giáo Việt Nam với những nét riêng của nó, cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Đó cũng là lẽ tất yếu để đảm bảo cho sự phát triển nội tại của chính bản thân Nho giáo Việt Nam.  
2. Luận bàn về đặc trưng của Nho giáo Việt Nam và khía cạnh Nho học của nó hiện không còn là một vấn đề mới mẻ. Trong những năm qua, giới nghiên cứu đã tiếp cận và từng bước khái quát về các đặc trưng của Nho giáo Việt Nam.
       Trước khi đi vào những nét riêng của Nho giáo Việt Nam, cần khẳng định ngay rằng, khởi nguồn từ Nho giáo Trung Quốc nên tất yếu Nho giáo Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng sâu sắc và có nhiều nét tương đồng với Nho giáo Trung Quốc. Song, điều đó không có nghĩa Nho giáo Việt Nam mất đi tính độc lập tương đối của nó. Quá trình tiếp biến văn hóa đã cho thấy, Nho giáo khi được du nhập vào Việt Nam đã dần kết hợp với những yếu tố bản địa của nền văn hóa Việt để dần trở thành sản phẩm truyền thống của người Việt, hay nói cách khác là Nho giáo khi được du nhập vào Việt Nam thì đã được Việt hóa cùng với tiến trình lịch sử.[2] Theo lời của cố giáo sư Trần Đình Hượu thì Nho giáo đã tồn tại thực ở nước ta hàng chục thế kỷ. Trong thời gian lâu dài như thế, ở vị trí là hệ tư tưởng chính thống, nó đã chi phối khá nhiều mặt đời sống tinh thần của dân tộc Việt. Tuy không phải là thổ sản nhưng với quá trình di thực và phát triển lâu dài như thế, nó cũng thành của ta. Nói chuyện văn hóa ở nước ta thì không thể không tính đến Nho giáo.[3] Có thể xem lời nhận xét trên đây của một chuyên gia về Nho học đủ để thẩm định vị trí quan trọng của Nho giáo trong nền văn hóa Việt.
     Về phương diện lịch sử, Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, tuy nhiên phải đến giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Nho giáo mới thực sự vươn mình trở thành hệ tư tưởng chủ đạo ở Việt Nam, gắn liền với sự thịnh suy của hai triều đại phong kiến Lê - Nguyễn. Không dừng ở đó, Nho giáo còn là một trong những nền tảng để xây dựng đường lối trị nước, cách thức đào tạo nhân tài, xác lập các quy phạm đạo đức, nuôi dưỡng đời sống nghệ thuật và tinh thần của người Việt... Rõ ràng, mỗi bước đi của lịch sử phong kiến Việt Nam là một sự khẳng định vai trò của Nho giáo.
      Về đại thể, Nho giáo Việt Nam là sự tiếp thu Nho giáo Trung Quốc, nhưng không còn giữ những đường nét nguyên thủy của nó nữa mà đã có sự biến đổi nhất định. Quá trình du nhập và xác lập vị trí thống trị của Nho giáo trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam là một quá trình tiếp biến văn hóa hết sức sáng tạo của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nói cách khác, Nho giáo Việt Nam đã trở thành một phần của truyền thống văn hóa Việt, mang trong mình những nét văn hóa và tính cách riêng của người Việt, tạo nên sự đặc sắc của Nho giáo Việt Nam.
       Trong những năm qua, giới nghiên cứu đã dành sự chú ý tìm hiểu về các đặc trưng của Nho giáo Việt Nam, và trên thực tế công việc này đã đạt được không ít thành tựu. Ở đây chúng tôi chỉ xin khái quát một số nét riêng của Nho giáo Việt Nam như sau:
       Thứ nhất, Nho giáo Việt Nam về đại thể thiên về tính thực tế hơn là tính triết luận, tư biện về cái lý cao siêu của trời đất. Nghĩa là, do ít thiên về suy tư nên Nho giáo Việt Nam thường lược bỏ những yếu tố trừu tượng, phức tạp, rối rắm để hướng đến những gì đơn giản, dễ thấy và dễ vận dụng vào thực tế. Theo như nhận định của giáo sư Nguyễn Tài Thư, "Nho sĩ Việt Nam thường quan tâm đến vấn đề chính trị và đạo đức, ít bàn đến vấn đề siêu hình, một lĩnh vực cao của tư duy, ở đó ẩn chứa những khả năng nhận thức sâu sắc và hành động sáng tạo. Thậm chí, họ còn biến cái siêu hình thành cái thực tế, thực dụng"[4]. Có thể thấy rằng, đặc trưng này của Nho giáo Việt Nam, trong chừng mực nhất định, mang đậm tính cách đặc trưng của con người Việt Nam mà các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra.
        Thứ hai, Nho giáo Việt Nam đề cao phạm trù Nghĩa. Nếu như Nho giáo Trung Quốc đề cao phạm trù Nhân, Nho giáo Nhật Bản coi trọng phạm trù Trung, thì trong quan niệm của các nhà Nho Việt Nam, Nghĩa luôn được hiện diện với tư cách là phạm trù trung tâm, chi phối các phạm trù khác. "Các quan niệm hiếu, trung, nhân, lễ khi vào Việt Nam thường gắn liền với nghĩa. Nghĩa là điều kiện hóa của hiếu, trung, nhân, lễ. Người Việt thường nói hiếu nghĩa, trung nghĩa, nhân nghĩa, lễ nghĩa và dường như hiếu, trung, nhân, lễ phải được hiểu và ứng xử như là nghĩa".[5] Suy rộng ra, Nghĩa đã đi vào đời sống thường ngày, vào nếp nghĩ và hành vi của người Việt.
       Thứ ba, Nho giáo Việt Nam thể hiện đặc tính không thuần nhất. Bản thân Nho giáo Việt Nam cũng chưa bao giờ thuần nhất mà là một thứ Nho giáo không thuần nhất, đã luôn luôn dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, tập quán, tư tưởng địa phương,... và mặt khác, trước thực tế Việt Nam, những quan hệ mới, vấn đề mới cũng  đòi hỏi nó phải thích ứng.[6] Đặc trưng này của Nho giáo Việt Nam còn thể hiện rõ nét qua hiện tượng Tam giáo đồng nguyên (hay còn gọi là Hội nhập Tam giáo) - một hiện tượng đặc biệt của văn hóa Việt Nam.
       Tất nhiên, Nho giáo Việt Nam còn mang nhiều nét đặc sắc khác, những đặc trưng trên chỉ là những nét cơ bản và dễ nhận diện. Trong mắt nhìn của chúng tôi, công việc khám phá những đặc trưng của nó vẫn chưa hoàn thành mà hiện vẫn đang còn tiếp tục, nếu không muốn nói là chỉ mới ở bước khởi đầu.
3. Nho giáo đã trở thành một phần của truyền thống văn hóa Việt Nam và trong tư cách này, Nho giáo Việt Nam đang chịu tác động một cách mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa. Sự tiếp xúc của văn hóa truyền thống và tính hiện đại cũng là một đề tài được nhiều học giả Việt Nam quan tâm. Ở đây, vấn đề đặt ra là liệu văn hóa truyền thống đối xử như thế nào với tính hiện đại và ngược lại? Liệu có xảy ra quá trình triệt hủy nhau hay là tương hợp, thâm nhập cải biến lẫn nhau? Xuất phát từ việc trả lời những vấn đề có tính phương pháp luận ấy, chúng ta có thể khẳng định rằng, Nho giáo Việt Nam buộc phải tự biến đổi và làm mới chính nó nếu muốn hội nhập và phát triển trong xu thế chung của thời đại.
      Cần thấy rằng, trên khía cạnh văn hóa - xã hội, Nho giáo đã hiện diện và giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Thậm chí, trong một thời gian khá dài (đặc biệt là từ thời vua Lê Thánh Tôn đến thời Nguyễn), Nho giáo đã vươn lên vị trí độc tôn và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Việt Nam.
        Với tư cách là một biểu hiện của ý thức xã hội (ở cả cấp độ hệ tư tưởng và tâm lý xã hội), cố nhiên Nho giáo không thể không chịu sự chi phối của tồn tại xã hội. Những sự biến đổi về điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã quy định việc Nho giáo phải nhường lại vũ đài chính trị cho những hệ tư tưởng tiến bộ hơn và mang tính cách mạng hơn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Nho giáo đã hoàn toàn mất đi vai trò quan trọng của nó. Xét ở cấp độ hệ tư tưởng chính trị thì Nho giáo không còn giữ vai trò là nền tảng tư tưởng của sự phát triển xã hội Việt Nam đương đại. Nhưng ở cấp độ tâm lý xã hội thì Nho giáo vẫn còn và sẽ còn lưu lại ảnh hưởng lâu dài trong văn hóa và con người Việt. Những chuẩn mực đạo đức và giá trị nhân văn tốt đẹp của Nho giáo vẫn sẽ là yếu tố cần tiếp thu, kế thừa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
        Trong chừng mực nhất định, chúng ta còn có thể giả định về một sự trở lại của Nho giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sự trở lại ở đây không phải ngụ ý về một cuộc phục hưng Nho giáo với tư cách là một hệ tư tưởng chi phối toàn bộ xã hội như trong các thời đại phong kiến trước đây, bởi lẽ xã hội Việt Nam hiện nay không còn thuộc về Nho giáo, bởi lẽ không có cơ sở để phục hồi cái chế độ mà Nho giáo là nền tảng tư tưởng.[7] Vì thế, cần hiểu sự trở lại của Nho giáo Việt Nam theo nghĩa là Nho giáo đang thay đổi dưới một diện mạo mới phù hợp hơn với xu thế vận động và phát triển của thời đại.
       Khi khảo cứu về sự vận động và phát triển của Nho giáo Việt Nam hiện nay, chúng tôi đặc biệt chú ý đến khía cạnh Nho học (chúng tôi nhấn mạnh) của nó, bởi lẽ đây là một trong những khía cạnh thể hiện rõ nét nhất xu hướng đổi mới của Nho giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Quy luật phổ biến của sự vận động và phát triển chỉ ra rằng, bất cứ một giá trị truyền thống nào cũng không thể tồn tại lâu bền nếu không có sự đổi mới. Nho giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phổ biến ấy. Nếu vẫn đi theo khuôn mòn lối cũ, không có sự đổi mới trong cách tiếp cận và phạm vi nghiên cứu thì e rằng Nho học Việt Nam sẽ khó có thể đối thoại với tính hiện đại và tính toàn cầu một cách có hiệu quả. Nhìn về lịch sử, có thể thấy rằng không phải đến thời gian gần đây, nghiên cứu Nho học Việt Nam mới chuyển mình đổi mới. Xu hướng hiện đại hóa trong nghiên cứu Nho học đã được giới học thuật Việt Nam khơi mào từ đầu thế kỷ trước với những tên tuổi lừng lẫy của nền Nho học Việt như Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy... Tuy nhiên, đổi mới là một quá trình lâu dài, liên tục và gắn liền với mạch đập của thời đại. Hiện nay, bối cảnh toàn cầu hóa đang mở ra những cơ hội thuận lợi để việc nghiên cứu về Nho học Việt Nam có thể phát triển theo những xu hướng ngày càng rộng mở. Ở đây, chúng tôi xin phác thảo một số xu hướng chủ yếu sau đây:
Trước hết, đó là xu hướng hội nhập và đối thoại của nghiên cứu Nho học Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới. Xu hướng này thể hiện rõ nét trong thập niên vừa qua và sẽ có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Nghiên cứu Nho học Việt Nam đang thực hiện hợp tác trên cơ sở đối thoại một cách có hiệu quả với các trường phái Nho học Á Đông khác. Viễn tượng rộng mở của thời đại toàn cầu đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy xu hướng này phát triển nhanh chóng. Nghiên cứu Nho học Việt Nam giờ đây không còn là tiếng nói độc thoại với chính mình mà đã tăng cường khả năng trao đổi, đối thoại về mặt học thuật với các trường phái Nho học khác trong khu vực Đông Á như Nho học Nhật Bản, Nho học Trung Quốc, Nho học Hàn Quốc... Nhận định xu hướng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn viết: "Trong bối cảnh nghiên cứu Nho giáo trên thế giới đang biến chuyển rất mạnh mẽ, việc tìm hiểu và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu là việc hết sức cần thiết. Các nghiên cứu về động thái tư tưởng trong khu vực Đông Á cũng giúp cho chúng ta kịp thời đặt ra những hướng đi và xác định nhiệm vụ cho việc nghiên cứu"[8].
Trong tương lai, xu hướng hội nhập và đối thoại này cần và hơn thế nên được đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn và mở rộng hơn nữa về cả quy mô lẫn phạm vi. Theo đó, Nho học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đối thoại, hợp tác với các trường phái Nho học ở các nước Á Đông, Nho học Việt Nam có thể mở rộng giao lưu với các trường phái Nho học ở phương Tây và những vùng lãnh thổ khác trên thế giới để có thể tìm tòi, trao đổi, tiếp thu những hướng kiến giải mới và những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu các vấn đề đương đại của Nho học Việt Nam.
Thứ hai, đó là xu hướng tổng tích hợp - liên kết tri thức của các ngành khoa học khác nhau để hình thành một hệ thống nghiên cứu liên ngành và đa ngành về các vấn đề của Nho học Việt Nam. Xu hướng này diễn ra khá mạnh trong thời gian gần đây. Việc liên kết - phối hợp các hướng tiếp cận từ nhiều ngành khoa học khác nhau như nhân học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học, luật học... đã góp phần chiếu sáng những mảng đề tài, những vấn đề mới của Nho giáo Việt Nam và đã đem lại những tri thức hữu ích và quý giá trong việc giải quyết hệ vấn đề mà xã hội Việt Nam đặt ra trong giai đoạn hiện nay.[9] Có thể khẳng định rằng, đây cũng là một xu hướng đầy triển vọng và hứa hẹn mang đến những kết quả khả quan trong nghiên cứu Nho học ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Thứ ba, sự xuất hiện của những cách tiếp cận mới như cấu trúc luận, giải cấu trúc luận, thông diễn học, phức hợp luận, nữ quyền luận, chủ nghĩa hậu hiện đại... được phổ biến Việt Nam trong thập niên gần đây đã, đang và sẽ đem lại những khả năng mới, góp phần đa dạng hóa cách tiếp cận trong nghiên cứu và kiến giải các kinh điển quan trọng của Nho giáo Việt Nam. Điều này là rất cần thiết bởi lẽ một sự đa dạng trong cách tiếp cận như thế có thể triển lộ nhiều cái mới trong điển cũ mà trước đây giới nghiên cứu với phương pháp tiếp cận cũ chưa phát hiện ra.
Những cách tiếp cận trên kết hợp với cách tiếp cận duy vật biện chứng thường được giới nghiên cứu sử dụng để nhận thức lại Nho giáo trong mối quan hệ với những vấn đề đương đại của Việt Nam. Những vấn đề về ý thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc, xây dựng đạo đức mới, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, sự biến đổi của Nho giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, xây dựng và phát triển xã hội học tập... đang ngày càng thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam. Xu hướng này góp phần làm hiển lộ những giá trị mới mang tính thời đại của Nho giáo và đồng thời qua đó chính bản thân Nho giáo Việt Nam cũng tìm thấy triển vọng phát triển của nó.
4. Nho giáo từ khi ra đời đến nay đã trên 2.500 năm và đã từng ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến xã hội Việt Nam đã góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng, ổn định, có trật tự, có pháp luật, một quốc gia thống nhất.
      Ngày nay, Nho giáo không còn sôi nổi trên bề mặt như trong những thế kỷ trước nữa, song không có nghĩa Nho giáo đã chấm dứt vai trò lịch sử của nó ở Việt Nam. Điều đó chỉ nói lên một điều rằng, Nho giáo đã thẩm thấu vào chiều sâu của văn hóa Việt, và ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm và lối sống của người Việt.
        Tất nhiên, những xu hướng được phác thảo trong bài viết này chưa phản ánh một cách đầy đủ nhất về hiện trạng nghiên cứu Nho học ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay với những tác động đa chiều, thậm chí ngược chiều nhau, thì mọi nỗ lực nhằm xác định lôgic vận động và phát triển của nền văn hóa Việt nói chung, của Nho giáo Việt Nam nói riêng, đều rất cần thiết và đáng quý. Bởi lẽ chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xác định đúng phương hướng và giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong bối cảnh thời đại, hướng đến xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó cũng chính là ý hướng của tác giả khi khởi thảo bài viết này.




TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Đại Doãn (1998), Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Vũ Khiêu, Nho giáo xưa và nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
3. Nguyễn Hùng Hậu (2004), Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
4. Trần Đình Hượu (1996), Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
5. Nguyễn Kim Sơn (2010), "Mấy vấn đề nổi bật trong nghiên cứu Nho giáo Đông Á đầu thế kỷ XXI và nhiệm vụ đặt ra cho việc nghiên cứu nho giáo Việt Nam hiện nay", Kỷ yếu hội thảo Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam thành tựu và kinh nghiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, http://lib.ussh.vnu.edu.vn/
6. Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Nguyễn Khắc Viện (2000), Bàn về đạo Nho, Nxb Thế giới, Hà Nội.
8. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Harvard Yenching (2009), Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt nam từ hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội.


[1] Nho giáo Việt Nam và Nho học Việt Nam là hai khái niệm gần gũi nhưng không đồng nhất về nội hàm khái niệm. Về điều này, các học giả Việt Nam đã phân biệt trong một số công trình nghiên cứu (Xem thêm: Nguyễn Tài Thư, Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997; Phan Đại Doãn, Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998; Nguyễn Hùng Hậu, Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004). Tham khảo các tài liệu trên, trong bài viết này, chúng tôi muốn lưu ý rằng, mỗi khi sử dụng thuật ngữ "Nho giáo Việt Nam" thì cũng có nghĩa đã bao hàm trong nó khía cạnh nghiên cứu Nho học và đây cũng là khía cạnh chính yếu của Nho giáo Việt Nam mà chúng tôi nhấn mạnh phân tích.
[2] Thực ra, không chỉ riêng Nho giáo mà Phật giáo, Lão giáo, thuyết Âm Dương... khi được du nhập vào Việt Nam cũng đều chịu sự tác động của quá trình Việt hóa ấy.
[3] Xem: Trần Đình Hượu, "Mấy ý kiến bàn về nghiên cứu Nho giáo", trong Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996. Dẫn theo nguồn: http://triethoc.edu.vn/
[4] Xem: Nguyễn Tài Thư, "Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam", đăng trên Tạp chí Triết học. Dẫn theo nguồn: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Nhan-Thuc/Mot_so_dac_trung_co_ban_cua_Nho_giao_Viet_Nam/
[5] Xem: Nguyễn Hùng Hậu, Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004, tr. 387.
[6] Xem: Trần Đình Hượu, "Mấy ý kiến bàn về nghiên cứu Nho giáo", trong Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996. Dẫn theo nguồn: http://triethoc.edu.vn/
[7] Xem: Nguyễn Tài Thư, Nho học và Nho học Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 178.
[8] Nguyễn Kim Sơn, "Mấy vấn đề nổi bật trong nghiên cứu Nho giáo Đông Á đầu thế kỷ XXI và nhiệm vụ đặt ra cho việc nghiên cứu nho giáo Việt Nam hiện nay", Kỷ yếu hội thảo Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam thành tựu và kinh nghiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. Nguồn: http://lib.ussh.vnu.edu.vn/
[9] Xem thêm: Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Harvard Yenching, Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét