SOME ENLIGHTENED EDUCATIONAL THOUGHTS
OF FUKUZAWA YUKICHI IN "GAKUMON NO SUSUME"
Tóm tắt:
Fukuzawa
Yukichi, người được mệnh danh là "Voltaire của đất nước mặt trời
mọc", là một trong những nhà tư tưởng khai sáng vĩ đại nhất của Nhật Bản.
Những quan điểm giáo dục mang tính cách mạng của ông không chỉ có sức ảnh hưởng
lớn đến phong trào khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, mà
còn mở đường cho sự phát triển đầy ngoạn mục của quốc đảo Đông Á này.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những
tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzama Yukichi trong tác phẩm "Khuyến
học" của ông, xem đó như là một trong những nguồn mạch quan trọng của quá
trình "văn minh khai hóa" mà người Nhật đã thực hiện. Xa hơn nữa,
nghiên cứu tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzama Yukichi trong "Khuyến
học" còn gợi mở những ý tưởng thiết thực cho quá trình cải cách giáo dục ở
Việt Nam hiện nay.
1.
Đặt vấn đề
Giáo dục và phát
triển giáo dục là một vấn đề lớn của mỗi cộng đồng, dân tộc. Trong thời đại
hiện nay, phát triển giáo dục ngày càng đóng vai trò quan trọng và đang trở
thành một phần không thể thiếu trong triết lý phát triển của nhiều quốc gia. Bối
cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức đang đặt
ra một yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đó là
phải tạo lập một nền giáo dục năng động và bền vững. Nói cách khác, phát triển
giáo dục sẽ mở ra con đường thuận lợi để các quốc gia, dân tộc có thể hội nhập
quốc tế một cách nhanh chóng.
Đối với Nhật
Bản, một quốc gia chưa bao giờ được ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, hơn nữa lại phải trải qua nhiều thử thách khắc
nghiệt của lịch sử, thì đi theo con đường phát triển dựa trên nền tảng tài nguyên con người là một sự lựa chọn hợp
lý. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, người Nhật đã hoàn toàn sáng suốt khi lựa
chọn con đường phát triển "văn minh hóa" dựa trên nền tảng Tây học, mà
một trong những cơ sở lý luận quan trọng của nó chính là tư tưởng giáo dục đầy
nhiệt huyết và thức thời của nhà khai sáng vĩ đại của xứ sở Phù Tang - Fukuzawa
Yukichi.
Trong bài viết
này, với mong muốn khẳng định đóng góp to lớn của Fukuzawa Yukichi đối với con
đường văn minh hóa của Nhật Bản được khởi động từ kỷ nguyên Meiji, chúng tôi sẽ
tập trung làm sáng tỏ những giá trị khai sáng trong tư tưởng giáo dục của
Fukuzawa Yukichi qua việc khảo sát một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của
ông - "Khuyến học" ("Gukumon
No Susume"). Xa hơn nữa, trên tinh thần "trông người để ngẫm đến
ta", nghiên cứu tư tưởng giáo dục khai sáng của Yukichi trong "Khuyến học" còn nhằm tìm kiếm
ở đó những "hạt nhân hợp lý", những gợi ý hữu ích cho việc phát triển
giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
2.
Vài nét về Fukuzawa Yukichi và
tác phẩm "Khuyến học"
Nói đến Nhật Bản hiện đại, người ta không thể không nhắc đến
một tên tuổi đã được lưu danh sử sách đó là Fukuzawa Yukichi. Người Nhật đánh
giá Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng khai sáng có ảnh hưởng rất lớn tới con
đường hiện đại hóa của Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trên khía
cạnh giáo dục, người sáng lập Đại học Keio còn được thừa nhận như là một trong
những học giả Tây học (yôgakusha) đầu tiên của đất nước mặt trời mọc. Để ghi
nhận những đóng góp to lớn của Fukuzawa đối với sự phát triển của nền giáo dục
Nhật Bản, nhà nghiên cứu Jyunosuke Yasukawa đã xếp ông vào danh sách 10 nhà
giáo dục vĩ đại nhất của Nhật Bản hiện đại. Theo chúng tôi, Fukuzawa hoàn toàn
xứng đáng với sự đánh giá ấy.
Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901), tên phiên âm tiếng Việt gọi
là Phúc Trạch Dụ Cát hay còn gọi là Phúc Ông, sinh vào tháng 1 năm 1835 trong
một gia đình samurai cấp thấp ở Nakatsu, một lãnh địa nhỏ ở miền Bắc đảo Kyushu,
Nhật Bản. Do thành phần xuất thân chỉ là samurai
cấp thấp nên tổ tiên của ông bị bạc đãi và chịu không biết bao nhiêu nỗi
cay đắng của chế độ phong kiến, bởi vậy hơn ai hết, Fukuzawa ý thức phản tỉnh một
cách sâu sắc về những mặt phi lý trong xã hội phong kiến.
Về mặt tư tưởng, ban đầu ông hấp thụ căn bản Hán học
(Kangaku), sau đó chuyển sang Hà Lan học (Rangaku)1.
Nhưng ông thấy rằng, chính ngành Hà Lan học này cũng tỏ ra lỗi thời nên cuối cùng ông đã
chuyển hướng sang Tây học (Yôgaku)2. Chính
sự chuyển hướng này của Fukuzawa đã mang đến những mạch tư duy mới mẻ và những
yếu tố khai sáng trong tư tưởng của ông.
Những tư tưởng khai sáng về chính trị, xã hội, kinh tế, đặc
biệt là đường lối giáo dục Tây học của
Fukuzawa đã thúc đẩy Nhật Bản đi theo con đường văn minh hóa một cách nhanh
chóng. Theo cách nói khác, Fukuzawa Yukichi là nhịp cầu nối quan trọng rút ngắn
con đường văn minh hóa của Nhật Bản. Nếu không có hoạt động tích cực và những
tác phẩm lý luận của ông, có lẽ phải mất thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa,
người Nhật mới được khai thị về con đường văn minh. Công lao của Fukuzawa được
người Nhật trân trọng bằng cách in hình của ông trên đồng 10.000 yên, là đồng
tiền có mệnh giá cao nhất đang lưu hành ở Nhật Bản.3
Không phải ngẫu nhiên khi người ta đánh giá rằng, cùng với Montesquieu, Adam Smith
và Alexis de Tocqueville, tên tuổi của ông đã trở thành bất tử, bởi lẽ "Fukuzawa
Yukichi không chỉ là nhà tư tưởng của thời đại Meiji mà còn là nhà tư tưởng của
thời đại chúng ta" [6, 153].
Fukuzawa Yukichi
đã để lại cho dân tộc Nhật Bản một gia tài tư tưởng đồ sộ với hơn 100 tác phẩm
về đủ mọi đề tài liên quan đến đất nước Nhật Bản từ ngôn ngữ, tư tưởng, triết
học, lịch sử, địa lý cho đến quân sự, kinh tế, thương mại, giáo dục... Trong toàn
bộ di thư phong phú ấy của ông, dù "Khuyến
học" chưa phải là tác phẩm đồ sộ nhất, song có thể khẳng định, đây lại
là tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Nhật thời đại Meiji và cho
đến nay người Nhật vẫn còn say mê đọc nó.
Tác phẩm được
viết trong khoảng thời gian từ 1872 đến 1876 bao gồm 17 chương, bàn đến rất
nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến việc khai sáng quốc dân nhằm bảo đảm những
cơ sở vững chắc cho nền độc lập của Nhật Bản. Nội dung phong phú, thiết thực và
lối viết gần gũi, dễ hiểu của Fukuzawa trong "Khuyến học đã thực sự cuốn hút đông đảo độc giả mỗi khi đọc
tác phẩm này. Có lẽ mỗi người có thể tìm thấy những ý tưởng mới lạ, những lời
khuyên hữu ích cho mình từ "Khuyến
học. Vì thế không ngẫu nhiên khi "Khuyến
học" trở thành một trong những cuốn sách thuộc loại best-seller ở Nhật
Bản từ khi nó ra đời.
Trong lời giới
thiệu "Khuyến học", dịch
giả Phạm Hữu Lợi đã tiết lộ rằng, "lần ấn bản lần đầu tiên quyển sách này
đã bán được mức kỷ lục 3.4 triệu trong lúc dân số Nhật Bản thời đó chỉ có 35
triệu và là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy
tân. Kể từ đó đến nay sách được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 cho đến
năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần" [12, 12].
Những con số ấy đủ sức để nói lên giá trị vượt thời đại của "Khuyến học" và tầm mắt đại
bàng của Fukuzawa Yukichi.
3. Tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa Yukichi trong "Khuyến học"
Trong tác phẩm "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi
đã đưa ra những quan điểm giáo dục gây rúng động xã hội Nhật Bản thời đại Meiji,
tạo nên trạng thái kinh ngạc và bàng hoàng như "không tin vào tai
mình" nơi đa số người dân Nhật đương thời. Mặc dù cần phải nói ngay rằng, trong
tác phẩm này, Fukuzawa không chỉ đơn thuần bàn về giáo dục mà còn hướng tầm mắt
đến một mục tiêu xa hơn đó là xem giáo dục như là phương tiện để Nhật Bản vững
tiến theo con đường văn minh, nhờ đó khả dĩ bảo đảm nền độc lập dân tộc trước sự
nhòm ngó của các cường quốc châu Âu.
Tuổi thanh xuân của Fukuzawa gắn liền với giai
đoạn cuối của thời đại Edo . Trong thời đại
này, nền giáo dục Nhật Bản mang đậm màu sắc Hán học (Kangaku) cả về phương pháp lẫn nội dung, rằng "học vấn ở
đâu cũng chỉ toàn là Hán học" [12, 6]. Điều đó đã gây cản trở
không nhỏ đến sự vận động và phát triển của xã hội Nhật Bản đương thời. Từ nhãn
quan cấp tiến, Fukuzawa nhận thấy những sự yếu kém của nền giáo dục Hán học so
với nền giáo dục khoa học của phương Tây mà ông đã có dịp tiếp cận. Với tư duy
nhạy bén và thức thời, một mặt Fukuzawa đã tiến hành phê phán nền giáo dục Hán
học đương thời, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, khai phóng nền giáo dục hiện
tại của Nhật Bản theo hướng Tây học (khoa học kỹ thuật và đạo đức) để nhanh
chóng văn minh hóa đất nước. Từ ý hướng ấy, Fukuzawa đã viết hàng loạt tác phẩm
bàn về nhiều vấn đề, trong đó "Khuyến
học" là tác phẩm thể hiện rõ nét nhất tư tưởng giáo dục khai sáng của
ông, là cửa ngõ để chúng ta có thể tiếp cận "phiên bản Nhật hóa của tư tưởng Khai
sáng châu Âu" này.
Qua nghiên cứu
tác phẩm "Khuyến học", có
thể khái quát tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa Yukichi ở những nội dung
chủ yếu sau:
Thứ nhất, phê phán lối giáo dục Hán học, chủ trương
xây dựng nền "thực học" trên nền tảng khoa học hiện đại phương Tây nhằm
nhanh chóng "khai hóa văn minh", đảm bảo nền độc lập dân tộc của Nhật
Bản.
Fukuzawa khẳng
định, chỉ có đi theo con đường văn minh hóa thì mới có thể "làm tăng chí
khí của dân, mới trở thành sức mạnh hậu thuẫn cho nền độc lập của đất
nước" [12,
89]. Và để thực hiện được điều đó thì không còn cách nào khác
phải đánh giá lại nền giáo dục của Nhật Bản lúc bấy giờ.
Với những gì thể
hiện trong "Khuyến học" thì
không còn nghi ngờ gì nữa, Fukuzawa là một trong những nhà tư tưởng Nhật Bản có
cái nhìn phê phán kịch liệt nhất đối với Hán học, thậm chí dám "một mình
chống lại cả nền Hán học trong cả nước" [11]. Mặc dù là người đạt đến
trình độ tinh thông về Hán học, song trong mắt nhìn của Fukuzawa, nền giáo dục Hán
học chưa bao giờ được đánh giá cao bởi tính hư văn, tầm chương trích cú và lối học
hình thức nhưng tính thực dụng thì lại rất hạn chế của nó. Fukuzawa viết:
"Lối học này (Hán học - Tg) không thực tế, không thể áp dụng kết quả học
tập vào thực tiễn cuộc sống" [12, 26]. Theo ông, một nền
giáo dục dựa trên nền tảng như thế thì không giúp ích gì đáng kể, thậm chí còn
gây cản trở sự phát triển của đất nước, bởi lẽ trong thời đại mở cửa mà để tư
tưởng thủ cựu của Hán học bám rễ trong não trạng của thế hệ trẻ, thì ánh sáng
của văn minh phương Tây sẽ rất khó vào được Nhật Bản.
Và như một hệ
quả tất yếu, những người được đào tạo trong nền giáo dục Hán học ấy chỉ thuần túy
là những "cái tủ kiến thức suông" [12, 39], không có và cũng không dám
tư duy độc lập và tinh thần sáng tạo tri thức mới. Lối giáo dục cổ truyền ấy đã
gây ra nơi thế hệ trẻ đặc tính thụ động, tự ti, tôn thờ thần tượng và không có
tư duy phê phán, làm thui chột tư duy sáng tạo và tính cách độc lập. Luận đề mà
Fukuzawa đưa ra là: "Biết chữ mới chỉ là công cụ trên con đường học vấn...
người biết chữ không thể gọi là người có học vấn nếu người đó không biết lý
giải, không hiểu biết đầy đủ đạo lý của sự vật" [12, 38].
Nghĩa là không có sự đào sâu suy nghĩ, không có tư duy phê phán thì dù có nhồi
nhét đầy tri thức trong đầu cũng chẳng có ích gì. Vì thế, trong "Khuyến học", Fukuzawa không chủ
định khuyên mọi người chỉ đọc sách một cách thụ động. Vấn đề căn bản là đọc
sách để hình thành tính cách độc lập và ứng dụng tri thức vào đời sống thực
tiễn để phục vụ đất nước. Đó mới chính là tiêu đích thực sự của giáo dục mà
Fukuzawa muốn truyền đạt.
Ngược lại với
thái độ phê phán kịch liệt lối giáo dục Hán học thì trong tư cách là một trong
những nhà Tây học tiên phong của Nhật Bản, không có gì ngạc nhiên khi Fukuzawa
luôn thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nền giáo dục tiên tiến phương Tây. Ông chủ
trương kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học năng động trên nền
tảng khoa học hiện đại của phương Tây nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng
cao tinh thần độc lập của người Nhật Bản. Có như thế mới đem đến khả năng giải quyết được những vấn đề
mà con người và đất nước Nhật Bản đang phải đối mặt. Chính quan điểm giáo dục "hướng
Tây" này của Fukuzawa đã gây ra không ít sự khó chịu nơi phái bảo thủ ở
Nhật Bản lúc bấy giờ.
Quan điểm giáo dục thực học của Fukuzawa thể hiện rõ ở phương
châm: học phải đi đôi với hành, và
hơn thế học là để thực hành. Muốn thực
hiện phương châm ấy, theo Fukuzawa, cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gì và học như thế nào?
Về câu hỏi "học
cái gì?", Fukuzawa đề xuất: "Trước hết phải học những môn thực
dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Phải thuộc lòng bảng bốn mươi
chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng
thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; Tiếp đến là phải học các môn
như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là
môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua
đó tìm ra tác dụng của nó; học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ
mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá
khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề
liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả
quốc gia; học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản
thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với
người"[12, 26-27]. Nghĩa
là, để tăng hiệu quả thực tiễn của tri thức thì cần phải bổ sung vào chương
trình giáo dục những môn học mang tính thực dụng cao, tức là những môn đã trở
thành thông dụng trong giáo dục ở phương Tây nhưng vẫn vắng bóng ở Nhật, để
thay thế cho những lời giáo huấn được cho là không thiết thực của các thầy
Khổng-Mạnh.
Còn "học như thế
nào?" thì Fukuzawa chỉ rõ, người học "cần thiết phải đọc tất cả
các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật. Đối với các bạn trẻ có
khả năng thì tôi khuyên nên đọc trực tiếp các nguyên bản bằng tiếng Anh, Pháp,
Đức. Khi học phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải
hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật" [12, 27]. Ở đây, Fukuzawa đã đưa ra một ý tưởng mới mẻ về vấn đề
tính cấp thiết của việc dịch thuật và yêu cầu đọc nguyên bản kinh điển bằng
ngoại ngữ trong nghiên cứu và học tập.
Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng,
chỉ có học như thế mới hiệu quả và có ích cho cuộc sống. Đó chính là "thực học" mà ai cũng phải học, là nội dung giáo dục mà hết thảy mọi người
đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. [12, 27]
Có thể nói, trong lúc giáo dục Nhật Bản đang hít thở bầu
không khí Hán học lúc bấy giờ thì quan điểm "thực học" của
Fukuzawa quả thật trở thành một làn gió mới mẻ ít nhiều lay chuyển tư duy giáo dục của người
Nhật. Giáo sư Matsunaga đánh giá rất cao những giá
trị khai sáng của tư tưởng "thực học" của Fukuzawa đến mức cho rằng, "việc coi trọng tư tưởng thực học của Fukuzawa
chính là con đường làm cho đất nước phú cường" [5].
Đối với nền giáo dục Việt Nam
hiện nay, có thể nhận thấy, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập gây bức xúc trong
xã hội. Mặc dù luôn khẳng định về một nền giáo dục hiện đại, song cho đến nay Việt
Nam
chưa thực sự xây dựng được một nền giáo dục vững mạnh trên nền tảng "thực
học". Điều đó dẫn đến hiệu quả và chất lượng giáo dục chưa cao, nội dung
và phương pháp giáo dục lạc hậu so với khu vực và thế giới, cách thức học tập
và thi cử còn nặng về hình thức và hiệu quả thấp... Xét trên tổng thể, nền giáo
dục Việt Nam
hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội
nhập và giao lưu quốc tế. Vì thế, một cuộc cải cách toàn diện giáo dục
"với tư tưởng cơ bản là thực học, đối với chúng ta ngày nay dường như bỗng
trở nên thời sự một cách lạ thường" [7].
Thứ hai, giáo dục tinh thần khoa học phương Tây để khơi
dậy tính cách độc lập, sáng tạo của quốc dân Nhật nói chung, của mỗi con người
Nhật nói riêng.
Ngay từ tựa đề của "Khuyến
học", Fukuzawa muốn chỉ cho mọi người thấy thực chất ông muốn đem đến
"những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản". Ông
đánh giá rất cao tầm quan trọng của tính cách độc lập trong con người và quốc
dân Nhật Bản, xem đó "là điểm xuất phát của mọi vấn đề" [12, 83],
"là cái quan trọng nhất và phải được coi là phần hồn của văn minh"
[12, 83] đến nỗi "nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi
hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng" [12, 84].
Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi trong "Khuyến học", Fukuzawa
đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Hơn nữa, khi đối chiếu với phương Tây
thì ông nhận ra rằng, hai yếu tố quan trọng có thể tìm thấy ở phương Tây mà
hiện tại Nhật Bản đang thiếu là khoa học (Sūrigaku)
và tinh thần độc lập (Dokuritsushin). Do đó, cần phải nhanh chóng bổ khuyết hai yếu tố
này để tạo nền tảng vững chắc cho con đường văn minh hóa của đất nước.
Trong nhãn quan của Fukuzawa, hai
yếu tố trên có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ông lý giải rằng, nếu như lối
giáo dục dựa trên nền Hán học vốn chỉ đào tạo những con người tư duy một chiều,
khuôn mẫu, cứng nhắc, thì lối giáo dục Tây học với nền tảng khoa học vững chắc
lại rất thích hợp để khai sáng tri thức mới, rèn luyện tư duy độc lập và sáng
tạo của con người. Vì thế, Fukuzawa luôn nhấn mạnh, giáo dục tinh thần khoa học
phương Tây là cơ sở để hình
thành tính cách độc lập, sáng tạo của người Nhật. Theo đó, Fukuzawa yêu cầu
người Nhật, nhất là thế hệ trẻ cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc tự
đào luyện tri thức, nâng cao hiểu biết khoa học và đạo lý của phương Tây. Ngược
lại, việc học tập để nắm vững tri thức khoa học và đạo lý phương Tây cũng góp
phần xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm trước phương Tây, đồng thời củng cố và phát
triển tính cách độc lập và sáng tạo của người Nhật trong thời đại văn minh hóa.
Việc nhấn mạnh tính
cách độc lập, sáng tạo của con người trên cơ sở giáo dục tinh thần khoa học
tiên tiến như Fukuzawa đã thể hiện trong Khuyến
học trở thành cơ sở cho triết lý giáo dục hiện đại của Nhật Bản4 và tất nhiên cũng sẽ là một gợi ý hữu
ích để chúng ta xây dựng một nền giáo dục mới dựa trên tư duy độc lập và sáng
tạo của người học. Thiết nghĩ, đó là một nội dung quan trọng cần bổ sung vào
triết lý giáo dục hiện đại mà nước ta đang hướng đến nhằm xây dựng một thế hệ
trẻ Việt Nam đầy tự tin, năng động, sáng tạo, biết sử dụng lý trí của chính
mình một cách độc lập để suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn nhất, hiệu quả
nhất nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, mục đích của giáo dục
là nhằm nuôi dưỡng "năng lực lựa chọn" trong quá trình giao lưu với
phương Tây.
Trước nguy cơ
xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây lúc bấy giờ, Nhật Bản và các quốc
gia Đông Á khác đã thực thi chính sách "bế quan tỏa cảng" để tự vệ.
Song, với khát khao về một nền độc lập, về một sức mạnh quốc gia đã thôi thúc Nhật
Bản phải tìm ra một hướng đi mới đó là mở cửa nhìn ra thế giới, tiếp thu những
giá trị tinh hoa của phương Tây để xây dựng một nước Nhật "phú quốc, cường
binh". Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là cần phải có sự "gạn đục khơi
trong" trong quá trình tiếp thu văn minh phương Tây bởi lẽ trong mắt nhìn
của Fukuzawa "văn minh phương Tây đúng là hơn chúng ta, nhưng không có
nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy đẫy khiếm
khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho" [12, 212], hơn
nữa, Nhật Bản và phương Tây có nhiều đặc điểm khác nhau, nên những yếu tố ở phương Tây thì tốt đẹp nhưng
khi du nhập vào Nhật Bản thì chưa chắc đã phù hợp. Vì thế, khi đối diện với văn
minh phương Tây, người Nhật cần phải phát huy cao nhất năng lực lựa chọn để tránh
thái độ "tin tưởng tới mức mù quáng vào văn minh phương Tây", và từ
đó xác định cái gì cần tiếp thu, cái gì cần gạt bỏ. Và chính ở đây, Fukuzawa
chỉ rõ, mục đích của giáo dục là nhằm nuôi dưỡng năng lực lựa chọn của người
Nhật, hay nói cách khác, muốn trau dồi năng lực lựa chọn thì người Nhật trước
hết phải nâng cao tri thức và không ngừng học tập. Fukuzawa viết: "Cần
phải có năng lực lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì? Kết quả của học vấn
chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó" [12, 210].
Có thể thấy rằng,
một khi xây dựng được nền tri thức phát triển cao và một giáo dục vững mạnh thì
người Nhật mới có thể tự tin sử dụng năng lực lựa chọn của mình để cân nhắc về
việc tiếp thu từ văn minh phương Tây những cái gì là tốt, là phù hợp và loại bỏ
những gì không tốt, không phù hợp.
Theo nhìn nhận
của chúng tôi, Fukuzawa hoàn toàn có lý khi chỉ ra vai trò to lớn của giáo dục
trong việc nuôi dưỡng năng lực lựa chọn có phê phán của con người. Nếu không có
tri thức, không có hiểu biết đầy đủ thì chúng ta sẽ rất khó nhận diện được cái
gì tốt, cái gì không tốt. Đối với Việt Nam hiện nay, trong xu thế hội nhập và
giao lưu đang diễn ra mạnh mẽ, thì yêu cầu "gạn đục khơi trong" để
xác định rõ những giá trị tiến bộ cần học hỏi, tiếp thu đang trở nên cấp thiết
hơn bao giờ hết. Và tất nhiên, xuất phát từ mạch tư duy của Fukuzawa, chúng tôi
cho rằng, nền giáo dục Việt Nam cần trang bị cho mỗi người học một nền học vấn
hiện đại để từ đó nuôi dưỡng, nâng cao năng lực lựa chọn và bản lĩnh cho họ
trong vòng xoáy của toàn cầu hóa.
3.
Vài lời kết
Bằng những hoạt
động lý luận và thực tiễn tích cực, Fukuzawa đã góp phần không nhỏ trong việc
giúp người Nhật Bản, nhất là thế hệ trẻ “thoát khỏi trạng thái vị thành niên”
(từ dùng của nhà triết học Khai sáng Đức Immanuel Kant), khẳng định tinh thần
độc lập của mình chứ không lệ thuộc người khác cả trong suy nghĩ và trong hành
động. Đó cũng chính là phương châm của Khai Sáng: "Hãy dám biết! Hãy can
đảm sử dụng trí tuệ của chính mình!" [1].
Những kiến giải
đặc sắc và mang tính khai sáng về giáo dục của Fukuzawa Yukichi cho chúng ta thấy
được tầm vóc của một trí tuệ lớn với nhãn quan vượt thời đại. Tư tưởng giáo dục
khai sáng của Fukuzawa trong Khuyến học
tuy đã đi vào lịch sử hơn 150 năm, song giá trị của nó cho đến nay vẫn được
khẳng định không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia Đông Á khác.
Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa
trong Khuyến học có lẽ không còn gây
chấn động mạnh mẽ như lúc ban đầu, tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn
là những gợi ý hữu ích và vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc
gia đang trên con đường hiện đại hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kant,
Immanuel, "An answer to the question: What is the Enlightenment", http://www.english.upenn.edu/~mgamer/Etexts/kant.html
2. Trần Thị Hạnh (2011),
"Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về con người và ảnh hưởng đến chuyển biến
tư tưởng của nho sĩ duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX", Tạp chí Khoa học Đại
học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 27, tr. 30-42.
3. Hồ Thiệu Hùng (2011),
"Khai sáng người học bằng cách khuyến khích tư duy độc lập", http://www.ier.edu.vn/content/view/502/159/
4. Nguyễn Tiến Lực (1995),
"Fukuzawa Yukichi và tư tưởng Khai sáng của ông", Tạp chí Triết học, số 2, tr.72-76.
5. Nguyễn Tiến Lực, "So
sánh tư tưởng cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) và Nguyễn
Trường Tộ (Việt Nam)", Tham luận Hội thảo khoa học quốc tế Quá trình hiện đại hóa văn học, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
6. Macfarlane, Alan (2002), Fukuzawa Yukichi and the making of the
modern world, New York :
Palgrave.
7. Nguyên Ngọc, "Tính cập nhật kỳ lạ của một tư
tưởng lớn", http://www.chungta.net
8. Võ Văn Sen (2009), "Một
vài kinh nghiệm của Nhật Bản và con đường hiện đại hóa của Việt Nam", T/c
Phát triển khoa học và công nghệ, số 15, t.12, tr. 5-17.
9. Vĩnh Sính (2001), Việt
Nam
và Nhật Bản - Giao lưu văn hóa, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Quốc Vương (2010),
"Giáo dục Việt Nam
học gì từ Nhật Bản", www.tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-03-31-giao-duc-viet-nam-hoc-gi-tu-nhat-ban
11. Yukichi, Fukuzawa, Phúc Ông tự truyện (Phạm Thu Giang dịch), http://vnthuquan.net/
12. Yukichi, Fukuzawa (2010), Khuyến học (Phạm Hữu Lợi dịch), Nxb Dân trí, Thành phố Hồ Chí
Minh.
1
Hà Lan học = Ngành học tiếng Hà Lan và nghiên cứu khoa học Tây phương bằng
tiếng Hà Lan.
2
Tây học = Ngành nghiên cứu Tây phương qua những ngôn ngữ Tây phương khác như
Anh ngữ, Pháp ngữ hoặc Đức ngữ.
3
Người Mỹ cũng dành sự trân trọng như thế đối với Benjamin Franklin bằng cách in
hình vị tổng thống này trên tờ 100 USD.
4
Hiện nay, mục tiêu mà nền giáo dục Nhật Bản hiện đại hướng tới là đào
tạo nên những học sinh có tri thức, tư duy độc lập, năng lực phê
phán và trách nhiệm cá nhân. Đó là những con người biết tự mình suy nghĩ, tự
mình nhận định đúng sai, tự mình tìm lấy chân lý và bảo vệ chân lý là một
bộ phận quan trọng trong triết lý giáo dục hiện đại của Nhật Bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét