PHÊ BÌNH NỮ QUYỀN: ANH – MỸ*
Chris Weedon
Phê bình văn chương nữ quyền
Anh – Mĩ chia sẻ mục đích chung như tất cả các vấn đề của nữ quyền: vạch trần
cơ chế thiết lập trên cơ sở những gì xã hội nam quyền giữ lại và bằng những gì
cơ chế đó được giữ lại, với mục tiêu cao nhất là sự chuyển dịch các quan hệ xã
hội. Vì thế đối tượng của phê bình nữ quyền mang “tính chính trị” một cách
thiết yếu. Các nhà nữ quyền ủng hộ hoạt động chuyển dịch này bởi họ tin rằng xã
hội nam quyền có lợi cho nam giới và phục vụ nhu cầu của nam giới hơn tất cả.
Hệ quả của niềm tin này là quan niệm xã hội nam quyền đàn áp phụ nữ.
Không có một định nghĩa toàn
diện, đơn nhất về chủ nghĩa nữ quyền (Feminism); nữ quyền luận không biết tới “
bà tổ” (tạm dịch Founding mothers) (trong so sánh với “ông tổ” đáng kính của
chủ nghĩa Mác và phân tâm học là Marx và Freud) cũng không có hệ phương pháp rõ
ràng. Tốt nhất, chúng ta có thể nói về những chủ nghĩa nữ quyền tham gia vào
thực hành phê bình có tính chuyển dịch nói trên. Những chủ nghĩa nữ quyền này
chạm đến nhiều nguyên tắc và thường là liên nguyên tắc (interdisciplinary)
trong tiếp cận; các nhà nữ quyền có xu hướng mượn các công cụ có tính quan niệm
và phương pháp thích hơp với nhu cầu công việc của họ từ các lĩnh vực khác.
Nghiên cứu văn chương nữ quyền đề cập đến hàng loạt các vấn đề phê bình quan
trọng, có thể kể đến: sự tái cấu trúc lịch sử về người phụ nữ và truyền thống
văn chương nữ giới; lịch sử văn chương nữ quyền; sự hình thành điển phạm (canon
formation); phê bình nữ quyền da đen; phê bình sự mô tả phụ nữ trong nghệ thuật
thị giác và văn chương; phụ nữ và văn hóa đại chúng; cuộc tranh luận về quyết
định luận sinh học chống lại cấu trúc xã hội về giới; sự lưỡng tính
(androgyny); văn hóa đồng tính nữ và truyền thống; cách đọc về giới; bản chất
lối viết của phụ nữ và điều kiện tạo thành lối viết này; tự thuật và “tác phẩm
– cuộc đời”; phụ nữ và sự khác biệt; vấn đề ngôn ngữ “nữ giới” riêng biệt và
nghi vấn về sự tồn tại hay không tồn tại của nó; sự phá hủy ngôn ngữ đực tính
(patriarchal language); vấn đề chủ thể và sự thiết lập bản sắc giới; chủ nghĩa
hậu thực dân và chủ nghĩa đế quốc văn hóa; nghiên cứu về logic thay thế; khả
thể của tri thức luận nữ giới (female epistemology). Rõ ràng là các nhà nữ
quyền có thể quan tâm tới hàng loạt vấn đề vì nữ quyền luận không bị mắc kẹt
trong một lý thuyết hợp nhất: sự khác biệt chính là nhãn hiệu của các nghiên
cứu nữ quyền.
Lịch sử
Thế giới Anh – Mỹ từng chứng
kiến hai bước nhảy vọt chính của nữ quyền luận thế kỉ 20: thứ nhất là trong sự
kết nối với cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử phổ thông, thứ hai là phát sinh
từ những trào lưu chính trị lan rộng vào thập niên 60 khi phụ nữ thức nhận được
rằng những mục đích của cánh tả mới đã không thể chú ý đến những nguyện vọng
của họ. Sự hình thành các nhóm phụ nữ diễn ra cùng mối quan tâm lớn dần về các
vấn đề của phụ nữ, với lời kêu gọi cho bình đẳng tình dục và cho các khóa học
về văn học nữ trong trường đại học. Nghiên cứu văn chương nữ quyền Anh – Mĩ
đánh dấu qua các giai đoạn chính: thời kì đầu tác phẩm nhấn mạnh vào sự vắng
mặt của phụ nữ trong điển phạm văn chương và nỗ lực khôi phục, thúc đẩy truyền
thống văn chương nữ; tiếp đó là sự thực hành phê bình rộng rãi hoặc giải cấu
trúc các mô tả về phụ nữ trong các văn bản tác giả là nam giới, rồi dẫn đến khuynh
hướng tìm sự mô tả “chính xác” cho phép “tái cấu trúc” về phụ nữ. Các nghiên
cứu này tiếp cận những vấn đề nữ quyền về giai cấp, chủng tộc và khuynh hướng
giới tính. Cuối cùng, các nhà nữ quyền bắt đầu tham gia vào việc phê bình chính
các thực hành của họ, cho thấy sự phát triển tích cực của việc tự nhận thức
mang tính phê phán.
Các nhà thực hành chính
Virginia Woolf (với tác
phẩm A room of One’s Own, 1929[1]) được
thừa nhận rộng rãi như người mở đường quan trọng của tư tưởng nữ quyền Anh – Mĩ
đương đại. Ban đầu, nghiên cứu về Woolf nhấn mạnh vai trò của bà trong chủ
nghĩa hiện đại và trong nhóm Bloomsbury[2];
sau này các học giả khác tiếp tục nỗ lực trong việc vẽ lược đồ một truyền thống
về phụ nữ trong văn chương, dựa trên ý tưởng về sự khác biệt của phụ nữ được
miêu tả trong các tác phẩm của họ. Các nghiên cứu gần đây liên kết Woolf với
truyền thống đồng tính nữ. Thinking about Women (Nghĩ về phụ
nữ)(1968) của Mary Elellmann – trong đó bà đề xuất ý tưởng về “các phương thức”
(modes) của lối viết, bất kể giới tính nhà văn [phương thức nam giới (masculine
mode) xác quyết gọng nói của quyền lực, còn phụ nữ đưa ra cách tiếp cận nhẹ
nhàng hơn] – là tác phẩm quan trọng đặt ra vấn đề chủ yếu trong phê bình nữ
quyền: lối viết của phụ nữ có khác biệt về bản chất với lối viết của nam giới
hay không, và nếu có, lối viết của phụ nữ có thể được định nghĩa như thế nào?
Kể từ cuối thập niên 70 và trong thập niên 80, dòng tư tưởng tập trung vào các
lý thuyết về écriture féminine (lối viết phụ nữ) được các nhà
nữ quyền Pháp phát triển, tiêu biểu như Hélène Cixous, Luce Irigaray và Julia
Kristeva. Những công trình có ảnh hưởng vào thời kì đầu khác có thể kể phê bình
về “tính nữ” (femininity) và “tính nam” (masculinity) trong Sexual
Politics (1970) (Chính trị học tính dục) của Kate Millett, bao gồm
nghiên cứu “sự phản chiếu một cách văn chương” về phụ nữ, theo những chuẩn nam
tính, trong tác phẩm của D.H.Lawrence, Henry Miller và Norman Mailer. Millett
miêu tả quyền lực của nam giới với phụ nữ qua hình thức tình dục áp chế. Quyền
điều khiển của nam giới được duy trì bởi nỗi sợ hãi bị cưỡng hiếp của phụ nữ và
bởi các khuôn mẫu vai trò tính dục kéo dài quyền quyết định, và hệ quả là cầm
tù hành động của phụ nữ. Millett chỉ ra rằng vai trò tính dục được định nghĩa
bằng các giá trị văn hóa mà những giá trị này lần lượt được tái sản xuất mang
tính xã hội; vì vậy, các nhà nữ quyền lên tiếng về “cấu trúc xã hội” của giới
(gender), nghĩa là giới (không như sex- tính dục) không phải được quyết định
một cách sinh học mà là sản phẩm của điều kiện xã hội.
Phê bình về giới như một cấu
trúc văn hóa chứng tỏ điểm đột phá thành công cho các nghiên cứu nữ quyền tiếp
theo. Carolyn G. Heilbrun (!973) đã thúc đẩy quan niệm về lưỡng tính trong nỗ
lực phá vỡ sự khác biệt nam/nữ trên cơ sở các quan niệm nhu yếu về giới. Lý
thuyết về sự phát triển tâm lý học tính dục (psychosexual) của Nancy Chodorow
nghiên cứu về vai trò của mẹ trong việc tái sản xuất những khác biệt tâm lý và
giới – những điều quyết định sự phân chia lao động theo giới cũng như vị trí thấp
của phụ nữ khi đối mặt với nam giới. Mối quan tâm về vai trò của tính dục và sự
biểu hiện chúng trong tác phẩm văn chương dẫn tới hàng loạt nghiên cứu nỗ lực
giải cấu trúc hình ảnh phụ nữ trong văn chương. Nghiên cứu của Sandra M.
Gilbert và Susan Gubar về sáng tạo của giới nữ trong thế kỉ XIX, The
Mad-woman in the Attic (1979) (Tạm dịch: Người đàn bà trong dưỡng trí viện) là
một cách đáp trả công trình The Anxiety of Influence (1973) (Nỗi lo âu
về ảnh hưởng) của Harold Bloom. Nếu, như Bloom đề xuất, các nhà thơ
nam phải viện đến “sự đọc sai” (misprision)[3] khi
đọc tác phẩm của người đi trước để tránh bị ảnh hưởng sâu sắc bởi họ, thì sáng
tạo của phụ nữ còn bị giới hạn gấp hai lần vì ảnh hưởng các huyền thoại duy trì
quyền sáng tạo nghệ thuật cho giới nam. Gilbert và Gubar kết luận chính việc
phụ nữ dám viết – đòi nắm giữ cây bút hay “dương vật theo nghĩa ẩn dụ” – đã
thiết lập một sự thách thức các vai trò mà xã hội nam quyền đã ấn định. Các
cách tiếp cận khác tập trung trực tiếp hơn về chiều hướng có tính lịch sử của
lối viết phụ nữ và về dự án thực hành nhằm khôi phục những nhà văn nữ đã mất.
Khi mô tả chuyển động từ việc đọc có tính chất “nhìn lại”, Elaine Showalter đã
tạo ra thuật ngữ “gynocritics” để chỉ nghiên cứu về phụ nữ là nhà văn, nghiêng
về diễn giải văn bản bằng lý thuyết trong nỗ lực giải thích sự khác biệt của
lối viết phụ nữ.
Các nhà nữ quyền da đen và
đồng tính nữ
Ban đầu trào lưu của phụ nữ
nỗ lực tạo ra ý nghĩa của khối liên hiệp nữ giới bằng cách nhấn mạnh sự chịu
đựng phổ biến của mọi phụ nữ thống nhất trong sự khác biệt với nam giới. Nhưng
người phụ nữ “phổ biến” bị đẩy tới chỗ phải thay thế bằng sự đa dạng của các
kinh nghiệm phụ nữ và phải thừa nhận sự khác biệt giữa phụ nữ: phê bình nữ
quyền thời kì đầu sai lầm vì chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa tình dục khác
giới. Việc xem xét lại các điển phạm văn chương vốn được thực hiện bởi phụ nữ
da trắng, có khuynh hướng tình dục khác giới đã được nhân rộng bởi các nhà nữ
quyền da đen và đồng tính nữ, cũng là những người đã phát triển hàng loạt các
vấn đề nữ quyền, bao gồm một phiên bản phức tạp hơn của mối quan hệ quyền lực.
Tương tự như vậy, lịch sử của phụ nữ đen và đồng tính nữ nổi lên và rọi ánh
sáng mới vào quá khứ của phụ nữ. Tác phẩm của Adrienne Rich, Of Woman
Born (1976) đã đảo ngược khuynh hướng oán trách tiềm năng sinh đẻ như
một nguyên nhân của sự bất bình đẳng với phụ nữ, thay vào đó là sự tuân phục,
vì sai lầm không nằm trong cấu trúc sinh học mà nằm trong việc thiết lập quan
hệ tình dục khác giới, cái đẩy người phụ nữ vào vị trí phục vụ đàn ông. Rich
định nghĩa lại sự khác biệt của phụ nữ trong những thuật ngữ tích cực. Ý tưởng
của bà về “chuỗi liên tục đồng tính nữ” (lesbian continuum) không chỉ giới hạn
với các mối quan hệ tính dục giữa phụ nữ; thay vào đó, nó bao gồm hàng loạt “kinh
nghiệm bản sắc nữ giới”, điều được xem như nền tảng của quan hệ nối kết giữa
các phụ nữ đấu tranh với “sự chuyên chế nam giới” (1980). Rich cũng đề xuất một
sự phê bình văn chương quan trọng trong vấn đề “nhìn lại” nữ quyền như thiết
lập “một hành động của sự sống sót”. (1979). Tương tự vậy, phụ nữ da đen phải
đưa thêm chính họ vào điển phạm (canon). Bởi vậy, Alice Walker xác định hành
động của bà, nói một cách văn chương là “cứu vớt những cuộc sống” (1983) khi bà
làm tái sinh hồi ức về tổ tiên. Một vài nhà nữ quyền da đen cũng phê bình mối
quan tâm lý thuyết lớn mạnh dần của chủ nghĩa nữ quyền trong nhiều năm gần đây.
Victoria Walker
Các tiếp cận hậu cấu trúc
Nữ quyền luận hậu cấu trúc sử
dụng đến tác phẩm của các lý thuyết gia ngôn ngữ Pháp có ảnh hướng quan trọng
như Ferdinand de Saussure, Jacques Derrida, Jacques Lacan, và Michel Foucault
cùng với công trình của lí thuyết gia Pháp gốc Bulgaria Julia Kristeva. Quan
tâm tới hai lĩnh vực quan trọng, nghĩa (meaning) và tính chủ thể
(subjectivity), hậu cấu trúc phát triển như một sự phê bình ngôn ngữ học cấu
trúc của Saussure được mô tả trong Cours de linguistique générale (A
Course in General Linguistics 1967, 1974) (Các bài giảng ngôn ngữ
học đại cương). Saussure đã phá vỡ các lý thuyết cho rằng ngôn ngữ phản ánh
thế giới bên ngoài nó. Ông tranh luận lại rằng chính ngôn ngữ cấu tạo nên
nghĩa. Trong lý thuyết của phái Saussure, ngôn ngữ được tạo thành từ một chuỗi
các kí hiệu (sign) gồm hai mặt: cái biểu đạt (hình ảnh âm thanh) và các cái
được biểu đạt (các ý niệm) (signifier/signified). Nghĩa là sản phẩm của sự khác
biệt giữa những kí hiệu hơn là cái tồn tại cố hữu trong một kí hiệu cụ thể.
Chẳng hạn, “woman” có được nghĩa là bởi khác biệt với “man” và “ran”. Hậu cấu
trúc luận khẳng định lại nguyên lý của Saussure ở chỗ nghĩa là hệ quả của sự
khác biệt nhưng đặt nghi vấn sự đơn giản của cái được biểu đạt cố định sau mỗi
cái biểu đạt. Hậu cấu trúc nói về những cái biểu đạt mà nghĩa của nó là đa
nghĩa (polysemic) hơn là bàn về những kí hiệu.
Bắt đầu từ nguyên lý rằng
nghĩa là hệ quả của ngôn ngữ và không bao giờ vừa khít mà luôn luôn bị
trì hoãn (defer) trong một mạng lưới bật tận của tính văn bản
(textuality), Derrida phát triển lý thuyết về giải cấu trúc ghi dấu ảnh hưởng
tới phê bình Anh – Mĩ, cả phê bình nữ quyền và phi nữ quyền. Giải cấu trúc cho
rằng tính văn bản tạo ra những cặp đôi có tính chất thứ bậc, như văn hóa/tự
nhiên hay đàn ông/đàn bà. Tiến trình giải cấu trúc tháo gỡ mặt nạ của những cặp
đôi này, chỉ ra việc các diễn ngôn đạt được hiệu quả của nó như thế nào. Phê
bình nữ quyền hậu cấu trúc quan tâm cụ thể đến việc giải cấu trúc các văn bản
để làm sáng tỏ những quan hệ quyền lực cấu thành diẽn ngôn. Những quan hệ quyền
lực này, những cái chính nó cấu trúc nên lĩnh vực phê bình, thường có những cơ sở
mang tính thể chế, như xuất bản, sự giáo dục cao hơn và báo chí. Các diễn ngôn
có tính cạnh tranh này – chẳng hạn Phê bình Mới, Phê bình nữ quyền và phê bình
Marxist – thiết lập một môi trường miên man trong lĩnh vực phê bình văn hóa.
Các nhà phê bình đọc từ những vị trí bên trong chính môi trường miên man này và
các sự đọc văn bản có tính phê bình sản sinh các phiên bản ý nghĩa cụ thể,
khẳng định lại các giá trị xã hội cụ thể.
Hậu cấu trúc cũng cung cấp
một bản phê phán mẫu thức (model) của chủ thể tính có tính chất Khai Sáng, lý
trí trong đó chủ thể đang nói là nguồn cội và sự đảm bảo của nghĩa. Hậu cấu
trúc giải trung tâm Cái Tôi (I), chủ thể đang nói của ngôn ngữ, xem nó như một
hệ quả của ngôn ngữ. Các nhà nữ quyền cũng sử dụng lý thuyết hậu cấu trúc để
phân tích kết cấu của chủ thể tính xác định về giới và các quan hệ quyền lực
trong các thực hành văn hóa. Thực hiện điều này, họ, như Althusser, từ chối tất
cả các hình thức của yếu tính luận (essentialism) xem chủ thể tính được tạo ra
có tính lịch sử và xã hội. Chủ thể tính bao gồm ý thức, cảm xúc cá nhân và các
suy tư, ham muốn vô thức. Nó là một tiến trình hơn là một bản sắc cố định, được
tạo lập bằng các nghĩa cạnh tranh và thường là tương phản, chẳng hạn, những
nghĩa về tính nữ, tính cá nhân va gia đình. Văn chương, văn hóa đại chúng và
phim là một vài thực hành không liền mạch trong đó chủ thế giới được kết cấu.
Mang đến cho lý thuyết hậu
cấu trúc mối quan tâm nữ quyền là đặc điểm tác phẩm của nhiều nhà phê bình. Một
nguồn hữu ích cụ thể với công việc này là tạp chí nữ quyền MĩSigns, dưới
sự biên tập của Catherine Stimpson, đã tạo không gian cho sự phân tích văn hóa
được lý thuyết hóa tinh tế. Các nhà phê bình nữ quyền hậu cấu trúc, Teresa De
Lauretis chẳng hạn, đã viết nhiều mảng và gây ảnh hưởng trong phim và nghiên
cứu văn hóa. Gayatri Chakravorty Spivak, dịch giả cuốn Of Grammatology
(1976) (Về ngữ pháp luận) của Derrida đã kết hợp một cách mạnh mẽ chủ
nghĩa Marx, giải cấu trúc và sự tiếp nhận các khác biệt văn hóa – nhấn mạnh vào
chủ nghĩa đế quốc văn hóa – vào các vấn đề nữ quyền. Tương tự, Barbara Jonhson
(1987) đã chỉ ra các hình thức giải cấu trúc Bắc Mĩ, vốn hướng tới một chủ
nghĩa hình thức năng động, có thể được sử dụng để truy vấn các mối quan tâm có
tính chính trị về nữ quyền như thế nào. Chẳng hạn công trình của Catherin
Belsey về Shakerpeare và kịch Phục Hưng The Subject of Tragedy (1985)
(Chủ thể của bi kịch) đánh dấu sự chuyển dịch từ mối quan tâm văn
chương thuần túy tới sự tiếp nhận lịch sử văn hóa rộng hơn qua vấn đề hiểu các
mối quan hệ giới trong quá khứ có thể làm biến tính cái hiện tại. Linda
Hutcheon cũng tập trung vào lý thuyết, thực hành và tính chính trị của các hình
thức văn hóa hậu hiện đại, vẽ ra song song dự án về chủ nghĩa hậu hiện đại và
dự án về các loại nữ quyền luận mà không chồng chéo hai lĩnh vực này.
* Nhã Thuyên dịch từ
Encyclopedia of Contemporary Literary Theory, University of Toronto Press
1993. tr. 39 – 42. Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=154
[1] Bản dịch tiếng Việt: Căn phòng
riêng, Nxb Tri Thức, 2009, Trịnh Y Thư dịch.
[2] Bloombury group là một nhóm các nhà
văn, trí thức, các nhà triết học và các nghệ sĩ tổ chức các thảo luận không
chính thức tại Bloomsbury, Anh, xoay quanh những vấn đề về văn chương, phê bình
cũng như những thái độ hiện đại với nữ quyền, tính dục, v.v… Các tác giả tiêu
biểu là Virginia Woolf, John Maynard Keynes, E. M. Forster và Lytton
Strachey. (Theo Wikipedia)
[3] Misprision là một quan niệm Harold
Bloom đề xuất. Theo ông, làm thơ cần đến một sự đọc sai (misreading) một cách
sáng tạo các tác phẩm trước đó, để chống lại “nỗi lo âu ảnh hưởng”. Bài thơ vừa
là sự nhận thức về quyền lực của quá khứ vừa chối bỏ nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét